COVID-19 có thể không bao giờ biến mất như HIV

14/05/2020 14:24

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 13/5 cho biết, virus corona chủng mới gây ra bệnh COVID-19 có thể thường gặp trong cộng đồng giống như HIV và kêu gọi 'nỗ lực chung' để chống dịch.

 Virus SARS - CoV -2 có thể không bao giờ biến mất như HIV

"Virus này có thể trở thành một virus thường gặp trong cộng đồng của chúng ta, và có thể không bao giờ biến mất", ông Mike Ryan - chuyên gia hàng đầu của WHO về tình huống khẩn cấp cho hay.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải thực tế và tôi không nghĩ rằng bất cứ ai có thể dự đoán khi nào dịch bệnh này sẽ hết. Tôi nghĩ là sẽ chẳng có lời hứa nào cũng như thời hạn nào về chuyện này. Căn bệnh này có thể là một vấn đề tồn tại lâu dài hoặc có thể không phải là như vậy", ông Ryan nói thêm.

Tuy nhiên, ông cho rằng thế giới đã kiểm soát được phần nào cách ứng phó với dịch bệnh dù điều này sẽ là "một nỗ lực rất lớn" ngay cả khi có vaccine - một viễn cảnh mà ông Ryan mô tả là sẽ rất khó khăn.

Cho đến nay, các nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua với thời gian để phát triển hơn 100 loại vaccine, bao gồm nhiều loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhấn mạnh những khó khăn trong việc tìm kiếm một loại vắcxin có hiệu quả với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Tổng giám đốc WHO Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới chung tay để ngăn chặn đại dịch tại cuộc họp trực tuyến mới diễn ra.

Chính phủ các nước đang loay hoay với câu hỏi làm thế nào để mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh virus corona vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, đã lây nhiễm hơn 4,3 triệu người và khiến gần 300.000 người thiệt mạng.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu ngày 12/5 đã thúc đẩy mở cửa dần lại biên giới trong khối đồng chung euro, nói rằng vẫn chưa quá muộn để cứu vãn mùa du lịch hè trong khi vẫn tiếp tục bảo đảm sự an toàn của mọi người.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng cảnh báo cần phải hết sức thận trong để tránh các đợt bùng phát mới. Chuyên gia Ryan cho rằng mở cửa biên giới trên bộ sẽ có ít rủi ro hơn việc nới lỏng các biện pháp đi lại bằng đường hàng không.

"Chúng ta cần chấp nhận suy nghĩ là phải mất một thời gian để đại dịch kết thúc", bà Maria van Kerkhove - chuyên gia dịch tễ học của WHO nhấn mạnh.
Top