Bộ trưởng Y tế: Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV

30/11/2011 08:29

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong gần 4 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “3 giảm” là giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS.

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Y tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

* Chúng ta đã trải qua hơn 20 năm phòng, chống HIV/AIDS. Nhân Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2011, xin Bộ trưởng cho biết một số thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Phải nói rằng, trong 20 năm qua Việt Nam đã kiên trì và nỗ lực đương đầu với HIV/AIDS bằng nhiều giải pháp quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ngoài thành công trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo; hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật; phối hợp đa ngành và huy động cộng đồng; mở rộng hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực…như đã nêu trên, ở đây, chúng tôi có thể tóm tắt một số thành tựu chính trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ như sau:

Công tác thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi đã được triển khai trên toàn quốc với sự tham gia của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; với nhiều nhiều hình thức đa dạng, phong phú; với nhiều mô hình truyền thông trực tiếp có hiệu quả (Câu lạc bộ; nhóm Tuyên truyền viên, cộng tác viên…) được triển khai tại cộng đồng dân cư… đã có tác động đáng kể đến sự thay đổi kiến thức và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS trong các cấp lãnh đạo và nhân dân, đặc biệt là trong các nhóm người có hành vi nguy cơ cao.

Theo kết quả điều tra quốc gia về hành vi kết hợp với các chỉ số sinh học cho thấy kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nguy cơ cao đã tăng lên, tỷ lệ người được điều tra trả lời đúng tất cả biện pháp dự phòng lây truyền HIV và từ chối những quan điểm sai lầm về đường lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy tăng lên 47,6% năm 2009; trong nhóm nữ bán dâm tăng lên 54,7% năm 2009. So sánh điều tra trong nhóm thanh niên 15-24 tuổi cho thấy thanh niên độ tuổi 15-24 hiểu đầy đủ đường lây truyền HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về đường lây truyền HIV đã tăng từ 46% năm 2005 lên 57% năm 2009.

Hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đang tiếp tục được đẩy mạnh và có nhiều kết quả nổi bật. Cùng với các hoạt động tiếp cận cộng đồng, tiếp cận đồng đẳng, truyền thông thay đổi hành vi, khuyến khích và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su…số bơm kim tiêm phân phát tăng dần qua các năm từ 2 triệu chiếc vào năm 2006 lên khoảng 27 triệu chiếc vào năm 2010. Số bao cao su được phân phát tăng nhanh từ 9 triệu chiếc năm 2006 lên trên 25 triệu chiếc năm 2010.

Kết quả điều tra hành vi và các chỉ số sinh học trong nhóm nguy cơ cao năm 2009 cũng cho thấy, 69,7% nữ bán dâm cho biết đã nhận được bao cao su trong 12 tháng qua, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với kết quả điều tra năm 2006; tỷ lệ nữ bán dâm cho biết sử dụng bao cao su trong lần quan hệ gần nhất với khách hàng đã ở mức khá cao, vào khoảng  89% vào năm 2009.

Một thành công lớn nữa là chúng ta đã thí điểm và đang mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc mathadone. Tính đến hết tháng 9/2011, đã có 9 tỉnh/thành phố triển khai chương trình này, với tổng số 30 cơ sở điều trị Methadone đang hoạt động và 4.996 bệnh nhân đang được điều trị... Các hoạt động can thiệp giảm tác hại nói trên đã góp phần quan trọng vào việc làm giảm tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy từ 28,6% vào năm 2004 xuống còn 17,24% vào năm 2010 và tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nữ bán dâm được kiềm chế ở mức dưới 4% trong nhiều năm.

Chương trình chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV đã tập trung triển khai tại các cơ sở y tế tại tuyến tỉnh và tuyến huyện với các gói dịch vụ chăm sóc kết hợp giữa cơ sở y tế với dịch vụ chăm sóc dựa vào gia đình và cộng đồng. Trong những năm qua, chương trình không ngừng mở rộng, từ 2 điểm điều trị ARV năm 2003 lên 56 điểm năm 2006 và đạt 315 điểm điều trị ARV ở thời điểm tháng 9 năm 2011, với hơn 56 nghìn bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 3.088 bệnh nhân là trẻ em đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Với việc mở rộng việc tiếp cận với chương trình điều trị ARV những năm qua chúng ta đã cứu sống được hàng chục ngàn bệnh nhân AIDS...

Với những thành tựu kể trên, trong gần 4 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “3 giảm”: Giảm số ca nhiễm mới HIV, giảm số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Từ đó, chúng ta đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư năm 2010 ở mức 0,26% thấp hơn mục tiêu 0,3% đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2010. Với tỷ lệ này, Việt Nam tiếp tục là nước có tỷ lệ hiện nhiễm HIV thấp trong khu vực và được quốc tế đánh giá cao.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10/2010 đã đánh giá “Việt Nam đã đẩy mạnh ứng phó với HIV một cách đáng kể trong những năm gần đây và đã đạt được những bước tiến ấn tượng”. Thành công trên của công cuộc phòng, chống HIV/AIDS còn đã góp phần vào việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước và chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

* Thưa Bộ trưởng - Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động với chủ đề: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Xin Bộ trưởng có thể nói rõ hơn lý do tại sao Việt Nam lại chọn chủ này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Vào tháng 6/2011, tại Hội nghị cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức công bố chủ đề chung cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011-2015 là “Getting to zero” nghĩa là “Hướng tới mục tiêu ba không: Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.

Từ chủ đề chung của Chiến dịch Phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu cho giai đoạn 2011-2015, Liên Hợp Quốc khuyến cáo, hàng năm các quốc gia, tùy theo tình hình dịch HIV/AIDS và thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS có thể lựa chọn các ưu tiên khác nhau để hướng tới mục tiêu “Ba không” nói trên. Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2011 là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.

Năm 2011 này, chúng ta tập trung vào chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” vì nhiều lý do. Trước hết là xuất phát từ tình hình dịch HIV/AIDS ở nước ta hiện nay. Như đã đề cập ở trên, trong gần 4 năm trở lại đây, chúng ta đã đạt được “3 giảm” và kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư năm 2010 ở mức 0,26% thấp hơn mục tiêu 0,3% đã đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS đến năm 2010. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Số người mới nhiễm HIV được phát hiện hàng năm vẫn còn nhiều. Sự lây truyền HIV qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, kéo theo sự gia tăng nhiễm HIV trong phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, kiến thức chung về HIV/AIDS và việc thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là trong các nhóm người sử dụng ma túy, người mua-bán dâm, người di cư biến động... Sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn khá nặng nề, mạng lưới cung cấp dịch vụ ở một số địa bàn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế... Đây chính là những nguy cơ tiềm tàng có thể gây bùng nổ dịch trở lại nếu chúng ta lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Do vậy việc kiểm soát, ngăn chặn để “không còn người nhiễm mới HIV” là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và chính vì vậy, chúng ta đã chọn chủ đề “Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV” là chủ đề cho tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2011.

* Trong thời gian tới chúng ta cần phải làm gì để tiếp tục duy trì việc kiểm soát dịch HIV?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để tiếp tục duy trì được dịch HIV với tỷ lệ nhiễm thấp như hiện nay, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp, tuy nhiên một số giải pháp chính cần tập trung đó là:

Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính quyền các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường hơn nữa phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Mở rộng và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc toàn diện cho người nhiễm HIV/AIDS, tiếp cận điều trị sớm, đẩy mạnh chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Tăng cường công tác giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi và đánh giá chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ ba, tăng cường huy động nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là đầu tư kinh phí trong nước, của trung ương và kinh phí địa phương. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS.

Trân trọng cám ơn Bộ trưởng.

Top