Bỏ lại mặc cảm, hướng về phía trước

26/09/2012 09:15

Bằng nghị lực của mình, chị đã vượt qua mặc cảm, sự kỳ thị của cộng đồng để sống tốt và làm nhiều việc ý nghĩa, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ...

Chị Ngần cùng con gái. Ảnh: Quỳnh Nga

Chị là Trịnh Thị Thúy Ngần, Phó chủ nhiệm CLB Bồ Câu (CLB của những nhiễm HIV/AIDS) quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đã gần chục năm kể từ khi loại vi rút ấy gieo vào mình, chị vẫn sống mạnh khỏe, vui vẻ. Nhiều người biết đến chị là một người phụ nữ có nghị lực phi thường, vững vàng chống chọi số phận.

Sinh năm 1972, tại Hà Nội, số phận sắp đặt người con gái ấy gặp nhiều trắc trở trong đường tình duyên. Chị lập gia đình muộn, năm 31 tuổi chị mới chồng. Chồng chị là người bạn mà chị quen từ thời còn đi học. Kể về cuộc đời mình, chị nói nó giống như một cuốn phim quay chậm.

Chị tâm sự, khi biết anh nghiện ma túy, gia đình chị kiên quyết phản đối, nhất định không đồng ý để hai đứa đến với nhau. Mặc dù vậy, chị vẫn kiên quyết lấy anh vì tin rằng tình yêu của chị sẽ giúp anh hồi tâm chuyển ý. Năm 2003, hai anh chị thành vợ thành chồng. Nhưng cuộc sống gia đình không giống những gì chị vẫn thường tưởng tượng. Do kinh tế khó khăn, lại thêm nhiều bức xúc trong cuộc sống, chồng chị tỏ ra chán nản, quay trở lại làm bạn với nàng tiên tiên nâu.

Năm 2004, những tưởng số phận mỉm cười khi chuẩn bị cho chị được làm mẹ. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, ngay trong lần đầy tiên đi khám thai tại bệnh viện, chị đã nhận được hung tin “nhiễm HIV/AIDS”.

“Với tôi khi ấy, tương lai coi như đã chấm hết. Tôi thấy ghê sợ cả bản thân mình. Tủi nhục, đã không ít lần tôi định tìm đến cái chết. Nhưng cứ nghĩ đến đứa bé vô tội đang còn trong bụng, nó làm gì có tội tình gì. Thương con, tôi phải cố nén nước mắt để tiếp tục sống”, chị Ngần bộc bạch.

Nhớ lại quãng thời gian này, chị Ngần cho biết, ngày ấy sự kỳ thị của xã hội đối với những người nhiễm HIV còn rất nặng nề, đến cả những nhân viên y tế cũng tỏ ra xa lánh bệnh nhân của mình. Chị còn nhớ khi nhận kết quả xét nghiệm HIV, có vị bác sỹ không cho chị đến gần, bắt phải giữ khoảng cách thật xa.

Không ai muốn tiếp xúc hay nói chuyện với chị, chị luôn phải đối mặt với những áp lực vô hình rất lớn từ thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng; thường xuyên phải đối diện với những ánh mắt “soi mói” của những kẻ tò mò, hay bắt gặp thái độ lạnh nhạt của những người xung quanh.

Hướng về phía trước, chị nhủ lòng phải thật vững vàng. Rồi chị nhận ra đối với những người nhiễm HIV, quan trọng nhất là phải cố gắng vượt qua sự tự kỳ thị của chính bản thân mình. Người có HIV thường tỏ ra mặc cảm, họ không thích tiếp xúc với người xung quanh, sống thu mình, tự tách mình ra khỏi cộng đồng, xã hội. Nếu đã vượt qua được rào cản tâm lý của chính bản thân, chỉ cần cố gắng sống tốt, những người xung quanh nhất định sẽ có cái nhìn khác.

Năm 2004, chị Ngần được giới thiệu tới Hội Chữ Thập Đỏ quận Đống Đa, Hà Nội, tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương. Tại đây, chị dần tìm lại được niềm tin trong cuộc sống. “Sinh hoạt trong CLB, tôi nhận thấy rất nhiều người có hoàn cảnh giống mình, họ sống vui tươi, nhiệt tình chia sẻ những tâm sự nên những mặc cảm trong tôi dần được xóa bỏ”, chị Ngần chia sẻ.

Cũng trong khoảng thời gian này, gia đình chị chính thức đón chào thành viên mới. Niềm vui vỡ òa khi chị biết con mình không bị nhiễm HIV. Chị bảo, với chị đứa bé chính là nguồn động viên, là động lực để chị quyết tâm sống và nhiều làm việc có ích.

Năm 2006, chị Ngân tham gia thành lập CLB Bồ Câu, ở Thanh Xuân (Hà Nội), với mục tiêu hướng đến giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS, những người muốn tìm hiểu về HIV/AIDS, cũng như gia đình của các bệnh nhân HIV/AIDS... CLB Bồ Câu hiện CLB có trên 30 thành viên tham gia, với các hoạt động chủ yếu là tư vấn trực tiếp hoặc giá tiếp về HIV, nấu cháo cho những trẻ nhiễm HIV ở bệnh viện nhi trung ương, phát bao cao su và kim tiêm miễn phí, tổ chức cắt nghiện tại CLB, tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền về cách phòng chống HIV, cách chăm sóc người nhiễm H….

Chị Ngần hiện đang sống hạnh phúc cùng chồng và hai con khỏe mạnh. Cả hai cháu đều không bị nhiễm HIV/AIDS. Hiện nay, với chức trách của mình, chị luôn xông xáo, gặp gỡ giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, không quản nắng mưa, đêm ngày.

Chị hy vọng cộng đồng, xã hội hãy rộng lượng, cùng nhau giang tay giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS. Chị mong muốn những đứa trẻ bị nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, giúp đỡ, được đối xử bình thường, được học hành, không bị cộng đồng xa lánh...

Top