Bình Dương: Tăng cường can thiệp giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS

14/05/2019 17:00

Ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục thiết lập mạng lưới đồng đẳng viên ở các huyện, thành phố, và tổ chức các hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm như phát bơm kim tiêm, bao cao su, tổ chức xét nghiệm HIV cho cộng đồng.

 Phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cho người nguy cơ cao - Ảnh: Thùy Chi

Ngày 14/5, Sở Y tế tỉnh Bình Dương phối hợp Ban quản lý dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019.

Năm 2018, các mục tiêu của dự án bao gồm: Can thiệp dự phòng, chẩn đoán sớm- xét nghiệm HIV tại cơ sở, điều trị ARV dự phòng lây nhiễm HIV và tử vong do AIDS, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đã được chú trọng thực hiện.

Hiện dự án đã được triển khai tại 7/9 huyện, thị, thành phố, 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Theo báo cáo, số bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị ARV là 948 người, số tù nhân được điều trị ARV là 114 người... Ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục thiết lập mạng lưới đồng đẳng viên ở các huyện, thành phố, và tổ chức các hoạt động can thiệp giảm tác hại lây nhiễm như phát bơm kim tiêm, bao cao su.

Bên cạnh đó, tổ chức xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm nguy cơ.  Mở rộng, cải thiện chất lượng điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và tử vong do AIDS nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam, khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV trong dân cư, giảm tác động của HIV/AIDS đối với phát triển kinh tế, xã hội.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh phát hiện trên 6.500 người nhiễm HIV. Hiện trên 95% số người nhiễm đang điều trị tại tỉnh đã tham gia BHYT và tỉ lệ này được duy trì ổn định từ cuối năm 2016 đến nay. Bình Dương đang hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV có thẻ BHYT vào năm 2020.

Trong thời gian qua, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc thực hiện BHYT cho người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như: Một số người nhiễm HIV/AIDS không đủ điều kiện tham gia BHYT do không có hộ khẩu, không có chứng minh nhân dân; một số dịch vụ trong KCB BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS không có sẵn tại địa bàn (dịch vụ xét nghiệm tải lượng virus HIV).

Ngoài ra, tỉnh vẫn còn gần 5% số người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn, nên phía Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang phải tìm giải pháp bảo đảm 100% người nhiễm tại tỉnh tham gia BHYT vào năm 2020.

Các nguồn viện trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm mạnh. Để bảo đảm kết quả chp công tác phòng, chống HIV/AIDS, từ đầu tháng 3/2019, thuốc ARV cho người nhiễm HIV đã được quỹ BHYT chi trả. Vì thế, việc người nhiễm HIV tham gia BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, giảm gánh nặng tài chính cho chính bản thân cũng như gia đình họ.
Top