Biến động trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại Hà Nội và TPHCM

05/12/2019 17:46

Không chỉ ở Hà Nội và TPHCM, tình trạng lây nhiễm HIV ở nhiều địa phương khác trong cả nước đang có sự thay đổi, biến động giữa các nhóm nguy cơ cao, khiến dịch bệnh này vẫn rất phức tạp.

 Tư vấn điều trị ARV cho người nhiễm HIV. Ảnh: Thùy Chi

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số trường hợp nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống trên địa bàn là 22.211 người. Từ đầu năm 2019 tới nay, Hà Nội đã ghi nhận thêm hơn 1.230 trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, giám sát cho thấy, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện trong thời gian qua chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 76%). Cùng với đó, đường lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục gia tăng, từ 65,6% năm 2018 lên 71,4% năm 2019.

Còn số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho thấy, trong 10 tháng năm 2019, thành phố phát hiện 2.148 trường hợp nhiễm HIV (ước giảm 330 trường hợp so với cùng kỳ năm 2018) và có 204 trường hợp tử vong do AIDS. Đến nay, toàn thành phố phát hiện 61.244 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 11.659 trường hợp tử vong do AIDS, còn sống là 49.585 người.

Đánh giá về tình hình dịch HIV trên toàn quốc, ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS-Bộ Y tế, cho biết tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm, nhưng tỷ lệ nhiễm ở nhóm quan hệ đồng giới nam ngày càng gia tăng.

Nếu trước đây tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam chỉ khoảng 3% - 5%, thì hiện nay lên tới 10% - 15% và dự báo có thể tăng lên 40% vào năm 2025. Các khảo sát cũng cho thấy, độ tuổi trung bình của người mới nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam là 23 tuổi và phần lớn tập trung tại TPHCM, Bình Dương và Hà Nội. 

Thời gian qua, ngành Y tế và các địa phương đã đẩy mạnh nhiều biện pháp can thiệp dự phòng và tăng cường mức độ bao phủ BHYT với khoảng 90% người nhiễm HIV ở Việt Nam đã có BHYT. Đồng thời, có khoảng 41.000 bệnh nhân trong tổng số hơn 140.000 người nhiễm HIV đã bắt đầu nhận thuốc kháng virus ARV từ nguồn BHYT. Tuy nhiên, qua đánh giá của Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nay việc mở rộng bao phủ BHYT trong điều trị HIV/AIDS đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên do đa phần bệnh nhân HIV không muốn sử dụng BHYT vì lo ngại bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng thời cũng chưa có cơ chế mua thẻ BHYT cho bệnh nhân ngoại tỉnh không đăng ký thủ tục tạm trú, hay người nhiễm HIV không có bất kỳ giấy tờ tùy thân. 

Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội, việc sử dụng và thanh toán tiền thuốc ARV từ nguồn BHYT năm 2019 còn rất thấp, khi số tiền thanh toán mới đạt gần 40% tổng số hợp đồng đã ký. Trong khi đó, việc điều phối thuốc ARV vẫn còn khó khăn dù đang có các nguồn thuốc khác nhau như: nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia; nguồn ngân sách; nguồn viện trợ và nguồn BHYT. Tuy nhiên, không thể dùng nguồn thuốc BHYT cho các bệnh nhân khác, cũng không thể dùng thuốc từ các nguồn khác cho bệnh nhân đã chuyển sang BHYT. 

Tại TPHCM, hiện trên địa bàn có khoảng 30% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS có hộ khẩu ở các tỉnh thành khác, khoảng 10% trong số đó có thẻ BHYT nhưng cũng rất khó có giấy chuyển tuyến. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không có giấy tờ tùy thân nên khó khăn khi mua thẻ BHYT.

Đối với các bệnh nhân có hộ khẩu ở tỉnh thành khác, nếu không xin được giấy chuyển tuyến hoặc ngại quay lại phòng khám để xin giấy chuyển tuyến thì nhiều khả năng bị mất dấu, bị kháng thuốc đặc trị HIV/AIDS. Việc khám chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT tại TPHCM hiện chỉ hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân có hộ khẩu và cư trú trên 6 tháng tại TPHCM. Bên cạnh đó, sự kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng, đặc biệt là các cơ sở y tế, sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận xét nghiệm, điều trị, khống chế lây nhiễm HIV.

Tại Hà Nội, ước tính còn khoảng 5.000 người nhiễm HIV chưa biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, khoảng 4.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV nhưng chưa tham gia điều trị thuốc ARV. Trong khi đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV chưa được xóa bỏ. Đây chính là rào cản chính khiến cho người nhiễm HIV/AIDS sợ lộ danh tính và e ngại khi tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, để giảm thiểu số người nhiễm  trong nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV, thời gian tới cần chú trọng triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người nguy cơ cao; điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, đồng giới nam, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Cùng với đó đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Đặc biệt, mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững để đạt mục tiêu 90% người nhiễm HIV được phát hiện và đưa vào điều trị thuốc ARV, phấn đấu năm 2020 sẽ tăng lên 100.000 bệnh nhân dùng thuốc ARV qua BHYT.
Top