Bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt ARV được nhận thuốc dài hạn

02/01/2020 15:01

Bắt đầu từ tháng 7/2019, Bình Dương đã thực hiện việc kê đơn cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng đối với người bệnh điều trị thuốc ARV ổn định. Đây là hoạt động nhằm tạo thuận lợi cho bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt ARV được nhận thuốc dài hạn.

 Phòng khám ngoại trú Thị xã Thuận An(Bình Dương) tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân nhận thuốc dài hạn 90 ngày. Ảnh: Tống Nam

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh phát hiện trên 6.356 người nhiễm HIV. Hiện trên 95% số người nhiễm đang điều trị tại tỉnh đã tham gia BHYT và tỉ lệ này được duy trì ổn định từ cuối năm 2016 đến nay. Bình Dương đang hướng tới mục tiêu 100% người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV có thẻ BHYT vào năm 2020.

Tại Bình Dương, tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay có 6.356  người nhiễm HIV, trong đó người Bình Dương là 3.467 người (chiếm 54,5%), trong đó nam giới chiếm 69,1%. Xét về đường lây thì 55% lây nhiễm qua quan hệ tình dục (QHTD). Từ năm 2015 đến nay, lây nhiễm HIV qua QHTD không an toàn ngày càng tăng. Cả giai đoạn từ năm 1993-2015 (22 năm), lây nhiễm HIV qua QHTD chiếm 51%, trong khi 5 năm trở lại đây lây nhiễm HIV qua QHTD không an toàn đã chiếm 49%.

Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2019, Bình Dương phát hiện 418 ca nhiễm mới HIV (người hộ khẩu Bình Dương là 139 người, chiếm 33,3%), trong đó 390 ca nhiễm HIV là xét nghiệm khẳng định mới trong năm, số còn lại là bệnh nhân biết nhiễm HIV từ trước và mới khai báo để đưa vào chương trình điều trị. So với mọi năm số ca phát hiện tăng nhiều nhưng vẫn chủ yếu là số người ngoại tỉnh.

Trước khi bắt đầu điều trị ARV, người bệnh sẽ được rà soát và bổ sung thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng. Như tiến hành sàng lọc lao, khám phát hiện viêm màng não, các bệnh nhiễm trùng cơ hội và những bệnh lý khác liên quan đến nhiễm HIV. Chỉ định xét nghiệm CD4 và các xét nghiệm khác,... Sau đó, bệnh nhân được cấp thuốc 1 lần/tuần và tái khám, việc này sẽ được kéo dài liên tiếp trong 3 tuần. Khi cán bộ y tế tiến hành kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân, nếu nhận thấy ổn định sẽ cho người bệnh nhận thuốc và tái khám 1 lần/tháng.

Để được kê đơn cấp thuốc điều trị ARV sử dụng tối đa 90 ngày, người bệnh cần đáp ứng đầy đủ 7 tiêu chuẩn xác định là điều trị ARV ổn định theo Quyết định 5418/QĐ-BYT ngày 04/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”. Bao gồm, người lớn đang điều trị ARV từ 12 tháng trở lên; tuân thủ điều trị tốt (tái khám và lĩnh thuốc đúng hẹn trong vòng 6 tháng); kết quả xét nghiệm tải lượng HIV hai lần liên tiếp dưới 200 bản sao/ml, trường hợp không làm được xét nghiệm tải lượng HIV, có thể dựa vào số lượng tế bào CD4 tăng lên khi điều trị ARV hoặc trên 200 tế bào/mm3; không mang thai; không trong thời kỳ cho con bú; không có tác dụng phụ của thuốc; không có bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc bệnh lý khác liên quan đến HIV.

Cơ sở điều trị sẽ tiến hành đánh giá tiêu chuẩn điều trị thuốc ARV ổn định trong tất cả các lần người bệnh đến khám, làm bệnh án ngoại trú để theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân. Nếu người bệnh điều trị thuốc ARV ổn định của lần khám trước, tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn điều trị, thì tiếp tục sẽ được thực hiện kê đơn, cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng. Trường hợp người bệnh không đáp ứng tiêu chí điều trị thuốc ARV ổn định thì chuyển người bệnh sang khám, nhận thuốc tối đa 30 ngày sử dụng.

Việc kê đơn cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày được áp dụng cho các bệnh nhân điều trị thuốc ARV ổn định, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh trong quá trình nhận thuốc. Đối với người bệnh đi làm ăn xa, ngoài địa bàn tỉnh, nhận thuốc 90 ngày còn giúp họ chủ động hơn trong công việc, tránh tình trạng xin nghỉ phép nhiều lần trong năm.

Việc cấp thuốc dài hạn cũng làm giảm tải cho hệ thống y tế, tối đa ha hóa nguồn lực, Điều này cho phép nhân viên y tế tại các cơ sở y tế tập trung vào những bệnh nhân mới và phức tạp hơn, giúp cải thiện cả nhân viên y tế và sự hài lòng của bệnh nhân trong việc cung cấp dịch vụChúng tôi cũng lưu ý, người bệnh điều trị ARV phải uống đúng thuốc, đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của thầy thuốc, đến khám và làm xét nghiệm theo lịch hẹn, ăn uống, sinh hoạt điều độ,… 

Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế thông qua Công văn số 677/AIDS-ĐT ngày 12/8/2019 về việc Kê đơn cấp thuốc ARV nhiều tháng, điều trị nội trú và đến khám trước hẹn nguồn Bảo hiểm y tế, căn cứ Công văn số 415/GĐB-THĐT ngày 05/6/2019 của Trung tâm Giám định Bảo hiểm Y tế về việc xuất dữ liệu thuốc ARV lên cổng thông tin Bảo hiểm xã hội và Căn cứ Quy định tại Thông tư 28/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế về quản lý điều trị người nhiễm HIV và người phơi nhiễm với HIV. Theo đó, người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV ổn định được kê đơn, cấp phát thuốc ARV không quá 90 ngày sử dụng, người bệnh đến khám trước hẹn vẫn được khám bệnh, kê đơn, cấp phát thuốc ARV đảm bảo không bị gián đoạn trong điều trị thuốc ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn quản lý thực hiện tốt các nội dung sau: Tiếp tục kê đơn và cấp thuốc ARV nguồn BHYT cho người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV ổn định với số lượng không quá 90 ngày sử dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 28/2018/TT-BYT. Hệ thống thông tin giám định BHYT tiếp nhận nguyên trạng dữ liệu các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đề nghị thanh toán, thực hiện giám định theo đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Bên cạnh đó, cần điểu chỉnh phần mềm khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu kê đơn cấp thuốc ARV đối với người bệnh đến khám trước hẹn, người bệnh đang điều trị nội trú hết thuốc ARV theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 và Điều 10 Thông tư 28/2018/TT-BYT bảo đảm người bệnh không bị gián đoạn điều trị thuốc ARV.

Top