Bảo đảm tính khả thi khi sửa đổi Luật Phòng, chống HIV/AIDS

14/05/2020 14:23

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, bên cạnh việc phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS cần phải phù hợp với các điều kiện của Việt Nam để bảo đảm tính hiệu quả và thực thi của pháp luật.

 Xét nghiệm HIV cho người nguy cơ cao. Ảnh: Thùy Chi

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 13 năm thực thi chính sách pháp luật Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV phát hiện mới, số tử vong do AIDS giảm liên tục. Tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm mạnh. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV do lây truyền qua đường tình dục vẫn còn diễn biến phức tạp và khó kiểm soát, đặc biệt tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính MSM đang có xu hướng tăng nhanh.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã xuất hiện một số tồn tại, bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS với hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và phòng, chống ma túy; một số quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS không bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Mặt khác, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nội dung của các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV đã có sự thay đổi nhưng chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai…  Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm HIV/AIDS là hết sức cần thiết.

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia cơ bản tán thành sự cần thiết xây dựng Dự án luật; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu  bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như đồng bộ với luật pháp quốc tế hoặc các khuyến nghị quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện. Bên cạnh đó, chú trọng đến tính khả thi để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật trong đời sống thực tế.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, bên cạnh việc phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS phải phù hợp với các điều kiện của Việt Nam để bảo đảm tính hiệu quả và thực thi của pháp luật.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh thêm về tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự thảo luật, đồng thời đề nghị Bộ Y tế tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo luật đề bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu cần rà soát, tiếp thu tối đa các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định để chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp…

Xác định rõ HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khoẻ con người và tương lai nòi giống của dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, ngay từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Tiếp đó, ngày 12/7/2006, Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) - Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Sau 12 năm thực hiện, việc đánh giá thực trạng, các mặt tích cực, tồn tại của hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, phát hiện các tình huống nảy sinh trong quá trình quản lý của các cơ quan y tế có thẩm quyền để phân tích, xác định những nguyên nhân của tồn tại và tìm ra các giải pháp hữu hiệu nhằm quản lý có hiệu lực, hiệu quả hơn các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên các khía cạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS là rất cần thiết. Việc đánh giá này cũng nhằm thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.
Top