Bắc Ninh: Thúc đẩy quyền và nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ nhiễm HIV

05/09/2019 16:06

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, thời gian qua, Bắc Ninh đã triển khai hiệu quả mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”, góp phần thúc đẩy quyền trẻ em, đồng thời thay đổi nhận thức của người dân về chống phân biệt đối xử, nâng cao chất lượng sống của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn.

 Trẻ nhiễm HIV cần được sự quan tâm của toàn xã hội. Ảnh: Thùy Chi

Phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) là một trong những địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng thí điểm mô hình “Cung cấp, kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”. Với hơn 40 trẻ chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, việc triển khai mô hình phát huy hiệu quả ngày càng tích cực khi các em được hưởng những điều kiện chăm sóc toàn diện hơn về sức khỏe, y tế, giáo dục…

Đến nay, 100% trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý tại phường đều được cấp miễn phí thẻ BHYT, hỗ trợ dinh dưỡng, phát triển thể chất, chăm sóc thay thế, vui chơi giải trí và các chính sách xã hội theo quy định. Vào các dịp lễ, tết, các em được tổ chức vui chơi, tặng quà; cha mẹ, người chăm sóc trẻ được truyền thông, tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV; cung cấp kỹ năng chăm sóc và cách phòng tránh, chống phân biệt, kỳ thị…

Được sự hỗ trợ của Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh còn triển khai nhân rộng mô hình tại xã Ngọc Xá, xã Đào Viên (huyện Quế Võ) và phường Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh). Tham gia mô hình là các các đối tượng trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi do cha, mẹ chết vì nhiễm HIV/AIDS, trẻ sống cùng người nhiễm HIV/AIDS; trẻ là con của người sử dụng ma túy, mua bán dâm…

Nội dung hoạt động của mô hình bảo đảm cho trẻ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Chăm sóc, điều trị, tư vấn sức khỏe; cung cấp thuốc ARV miễn phí cho các bà mẹ mang thai và trẻ em, xét nghiệm PCR để chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con...

Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và tạo điều kiện cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đi học. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS không bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong trường học hay khi tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác. Hàng năm, số trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế, hỗ trợ dinh dưỡng, tham gia vui chơi trong các ngày lễ, tết, Quốc tế Thiếu nhi… với số kinh phí khoảng 200 triệu đồng/năm từ nguồn ngân sách địa phương và thông qua vận động xã hội.

Ngoài ra, địa phương còn đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống HIV/AIDS cho trẻ em, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các đơn vị liên quan đã phối hợp tổ chức truyền thông tại 14 trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh cho gần 10 nghìn lượt học sinh về kỹ năng chăm sóc, chống kỳ thị, phân biệt đối xử; tổ chức 8 hội nghị truyền thông cho 1.200 ông bà, cha mẹ thuộc 16 xã, phường, thị trấn về kiến thức kỹ năng kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... 

Trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất cần sự cảm thông, quan tâm, đùm bọc của xã hội bởi sự hiểu biết toàn diện, đúng đắn về HIV/AIDS, giúp cộng đồng có ý thức, thái độ thiện chí và đối xử bình đẳng, tiếp thêm nghị lực để các trẻ sống tích cực, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, số trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS thuộc diện quản lý trong toàn tỉnh là 388 trẻ, trong đó, số trẻ bị nhiễm HIV/AIDS là 64 em, số trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi HIV là 278 em, số trẻ có nguy cơ cao nhiễm HIV gồm 46 em...
Top