Bắc Kạn: Người nhiễm HIV vẫn ngại công khai tình trạng bệnh

17/07/2015 16:20

Bắc Kạn là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất cả nước. Tuy nhiên, do trình độ dân trí chưa đồng đều giữa các vùng miền nên vẫn còn sự kỳ thị với người nghiện ma túy, nhiễm HIV nên nhiều người nhiễm HIV còn ngại công khai tình trạng bệnh.

Xét nghiệm tự nguyện cho người nghiện chích ma túy. Ảnh minh họa

Lây nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm tiêm chích

Theo số liệu thống kê, hiện Bắc Kạn có tổng số dân là 304.000 người, tính đến hết năm 2014 số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là hơn 2.400 người, trong đó 1.358 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 527 bệnh nhân đã tử vong do AIDS.

Riêng năm 2014, tại Bắc Kạn phát hiện 96 trường hợp nhiễm HIV mới; 8/8 huyện, thành phố và 11/122 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV.

Các trường hợp lây nhiễm HIV/AIDS tập trung chủ yếu ở một số huyện có tệ nạn ma túy phức tạp như thành phố Bắc Kạn, huyện Chợ Mới, Chợ Đồn và có nguy cơ lây lan ra các xã vùng sâu, vùng xa.

Tại Bắc Kạn, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, không phân biệt, kỳ thị với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV/AIDS đã được đẩy mạnh.

Các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại như cung cấp bơm kim tiêm sạch, thu gom bơm kim tiêm bẩn, cung cấp bao cao su, điều trị nghiện ma túy dạng thuốc phiện thay thế bằng thuốc Methadone… được triển khai mạnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở điều trị Methadone cho người nghiện ma túy với 384 bệnh nhân đang điều trị ổn định, 13 cơ sở y tế có thực hiện công tác xét nghiệm HIV từ đơn giản đến phức tạp.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc khám, chữa bệnh, hệ thống xét nghiệm HIV/AIDS cũng đã được đầu tư đồng bộ. Hơn 1.000 cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên được đào tạo về HIV/AIDS…

Nhờ đó, tỷ lệ người nhiễm mới HIV năm 2014 trên địa bàn giảm 63% so với năm 2009 và giảm 24% so với năm 2013. Số trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới, số bệnh nhân tử vong do AIDS hàng năm giảm đáng kể.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Theo ông Lục Văn Trường, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bắc Kạn, do địa hình miền núi, khoảng cách từ các xã triển khai dự án phòng, chống HIV/AIDS đến các địa điểm cung cấp dịch vụ tương đối xa nên số đối tượng được tiếp cận còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ dân trí chưa đồng đều, vẫn còn sự kỳ thị nên nhiều người nhiễm HIV còn ngại công khai tình trạng bệnh.

Mạng lưới tham gia dự án phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu là kiêm nhiệm. Đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên còn hạn chế, ít kinh nghiệm, thiếu kỹ năng và thường xuyên thay đổi nên chưa đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng của các bệnh nhân.

Ngoài ra, một số bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone chưa tuân thủ điều trị, bỏ liều, tiếp tục sử dụng ma túy khi đã ổn định liều gây khó khăn cho cơ sở khi đánh giá giai đoạn điều trị.

Trong những năm qua, nguồn kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Bắc Kạn chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung ương và các chương trình, dự án của nước ngoài.

Trong giai đoạn 2010-2014, nguồn kinh phí của tỉnh đầu tư cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, chỉ chiếm 3% tổng kinh phí.

Năm 2014, kinh phí từ chương trình Mục tiêu quốc gia bị cắt giảm 87% so với năm 2013, kinh phí từ các dự án quốc tế cũng giảm mạnh, trong khi đó tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020 tại tỉnh Bắc Kạn là trên 63 tỷ đồng.

Để bảo đảm kinh phí duy trì các dự án, chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm giảm thiểu số người nghiện ma túy, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, tỉnh bảo đảm ngân sách cho các nhu cầu hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tăng dần qua các năm đến năm 2020; bảo đảm 75% số người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế và được chi trả theo quy định vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư dưới 0,45% vào năm 2015 và dưới 0,3% vào năm 2020...

Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa trong việc chi trả các dịch vụ phòng và điều trị HIV/AIDS bằng nguồn đóng góp của người sử dụng dịch vụ, đồng thời tuyên truyền, vận động các chủ doanh nghiệp và cá nhân tham gia mua bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS.
Top