10 năm phòng, chống HIV/AIDS: Kiềm chế tốc độ gia tăng lây nhiễm

03/08/2015 08:44

Sau 10 năm thành lập, với đội ngũ cán bộ y tế chuyên sau, được đào tạo bài bản và những nỗ lực không mệt mỏi, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế đã góp phần kiềm chế và giảm tốc độ gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Chi

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chúc mừng, ghi nhận những kết quả đạt được của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và công tác phòng, chống căn bệnh thế kỷ ở Việt Nam trong 10 năm qua tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2005-2015 và công bố Hướng dẫn điều trị, chăm sóc HIV/AIDS vừa được tổ chức tại Hải Phòng.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã thể hiện sự trưởng thành vươn lên mạnh mẽ, ý chí quyết tâm vượt qua nhiều thử thách để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Một trong những thành tựu của công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam đáng ghi nhớ và quan trọng nhất là giảm và hạn chế tốc độ gia tăng HIV/AIDS tại Việt Nam; đồng thời, giảm số người tử vong do HIV/AIDS. Thứ trưởng mong rằng, thời gian tới, công tác phòng chống HIV/AIDS tại nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành công hơn nữa.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, ngày 26/7/2005, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 21/2005/QĐ-BYT về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở đó, từ ngày 01/8/2005 Cục Phòng chống HIV/AIDS chính thức bắt đầu hoạt động, tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta và cũng là một minh chứng về sự cam kết mạnh mẽ.

TS.Nguyễn Hoàng Long-Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thùy Chi

Trong thời gian qua, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, từ việc củng cố hệ thống tổ chức, hoàn thiện hành lang pháp lý đến việc triển khai rộng rãi các hoạt động chuyên môn, cũng như nghiên cứu khoa học, hợp tác và phát triển. Đồng thời, liên tục đạt các mục tiêu cho Quốc hội và Chính phủ giao.

Cụ thể, số người nhiễm HIV dương tính, số tử vong do AIDS hàng năm đều giảm; tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng chỉ còn ở mức 256/100.000 trường hợp 60%; số nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy năm 2004 gần 30% đến nay chỉ còn 10%; phụ nữ bán dâm 60% xuống còn 20%. Đặc biệt, 400.000 người đã tránh được nguy cơ nhiễm HIV và 150.000 trường hợp khong bị tử vong do AIDS.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hoàng Long, khó khăn, thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều, tuy giảm nhưng HIV vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam. Vì vậy, vẫn còn tới  227.000 nhiễm HIV còn sống cần chăm sóc, hỗ trợ thường xuyên; nhiều yếu tố nguy cơ mới vẫn còn tiềm ẩn vì hiện mới ngành y tế mới đang chỉ điều trị được cho khoảng 42% nhu cầu...

TS Nguyễn Hoàng Long cho rằng, trong thời gian tới, ngành y tế vẫn phải duy thì các giải pháp để giảm tác động của HIV/AIDS đối với đời sống xã hội, lồng ghép dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS vào hệ thống y tế, phân cấp cơ sở, dựa vào ngân sách trong nước; tăng cường điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; mở rộng điều trị ARV trong trại giam…

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba. Ảnh: Thùy Chi

Với những thành tích, đóng góp trong công tác phòng chống HIV/AIDS, mới đây Chủ tịch nước Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba cho Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Nhân dịp lễ tổng kết 10 năm công tác phòng chống HIV/AIDS , Bộ Y tế đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân vì đã có thành tích cao trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Với những đóng góp trong công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên Nguyễn Thị Lan Anh, Trang tin điện tử Tiếng chuông (Trang tin của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm), đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen nhân dịp này.

Kể từ trường hợp nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên tại TP. HCM vào năm 1990, tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống được báo cáo là 227.144 người, trong đó có 71.115 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và đã có 74.442 người tử vong do HIV/AIDS. Đại dịch HIV đã có mặt ở 100% số tỉnh, thành phố, 99% số quận, huyện và hơn 80% số xã, phường, thị trấn.

Top