Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức xã hội với các đối tác trong phòng, chống HIV/AIDS

27/09/2017 14:55

Ngày 20/7, tại Hà Nội, Dự án VUSTA-Dự án Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo “Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức xã hội với cơ quan nhà nước và các đối tác”.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thùy Chi

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định, trong thời gian qua, các tổ chức xã hội đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nhờ những kết quả đạt được, Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa cấu phần của các tổ chức xã hội vào hoạt động. Trước đây, Dự án VUSTA là Dự án thành phần thuộc Dự án ô (Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) do Bộ Y tế là đơn vị nhận tiền tài trợ chính.

ThS. Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và hỗ trợ cộng đồng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, các tổ chức xã hội dân sự đã tham gia nhiều khía cạnh hoạt động xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, y tế, xã hội, kinh tế.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Dự án VUSTA đã tập trung hỗ trợ các hoạt động như truyền thông, dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng. Góp phần cùng hệ thống quốc gia cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng.

Cụ thể, các tổ chức xã hội đã có đóng góp quan trọng trong các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ cho người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ tại những lĩnh vực, hoặc những vùng mà dịch vụ của Chính phủ chưa bao phủ hết.

Bên cạnh đó, góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS trong cả cấp độ quốc gia, cấp độ quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, một số khó khăn trong quá trình phối hợp giữa Cục Phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội là: Tính bền vững của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; không có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho các tổ chức xã hội; một số tổ chức chưa sẵn sàng phối hợp và chia sẻ thông tin; mối quan hệ chỉ là phối hợp nên không thật sự chặt chẽ…

Tầm quan trọng, vai trò của các tổ chức xã hội trong nhiều lĩnh vực được các đại biểu khẳng định, đặc biệt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, để tăng cường hợp tác giữa các tổ chức xã hội với cơ quan nhà nước và các đối tác trong thời gian tới, TS. Trịnh Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban Quản trị Quốc gia – Trợ lý Giám đốc Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho hay, bộ chỉ số đo lường về quản trị Quốc gia có chủ số quan trọng là tiếng nói của người dân có tương quan thuận và khá chặt (0,63) với phát triển kinh tế (GDP) của Quốc gia. Vì vậy, cần đối xử bình đẳng với các tổ chức xã hội, tôn trọng, thấu hiểu, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội đóng góp cho sự phát triển chung.

Tuy nhiên, phát triển quan hệ đối tác giữa Nhà nước với tổ chức xã hội là một đòi hỏi tất yếu, dư địa phát triển của Việt Nam còn vô cùng lớn. Đây là nhiệm vụ có tầm chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi thích hợp.

Tại hội thảo, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc kết nối, hợp tác với cơ quan Nhà nước và các đối tác khác trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
Top