Phòng, chống HIV/AIDS tại các Trung tâm đạt kết quả khả quan

26/06/2015 16:00

Sau 7 năm thực hiện Dự án thành phần Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thuộc Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV⁄AIDS, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục- Lao động xã hội (Trung tâm CBGDLĐXH) đã đạt được những kết quả khả quan.

Dự án thành phần Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) được thực hiện từ năm 2008-2014 với mục tiêu thiết lập gói dịch vụ dự phòng thiết yếu cho đối tượng nguy cơ cao tại cộng đồng và trong các Trung tâm CBGDLĐXH; thiết lập gói dịch vụ thiết yếu gồm tư vấn, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại các trung tâm CBGDLĐXH và tăng cường hệ thống kết nối dịch vụ giữa các Trung tâm CBGDLĐXH với các cơ sở y tế dựa vào cộng đồng.

Điều trị cho các học viên cai nghiện tại Trung tâm. Ảnh Trung tâm CBGDLĐXH số 1

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngoài các hoạt động chính là tư vấn xét nghiệm HIV, điều trị ARV và methadone, dự án thành phần Bộ LĐTBXH còn thực hiện nhiều hoạt động bổ trợ, bao gồm: thông tin – giáo dục – truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho học viên trong các Trung tâm CBGDLĐXH, sàng lọc và điều trị lao, phát hiện và điều trị nhiễm trùng cơ hội, bệnh lây truyền qua đường tình dục, cung cấp thông tin, tư vấn cho người nghiện ma túy, người sau cai và gia đình của họ…

Về công tác truyền thông, hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai từ năm 2008 tại các Trung tâm CBGDLĐXH. Tính từ năm 2008 đến hết năm 2011 đã có 48.127 học viên trong các Trung tâm được tham gia các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Các hoạt động truyền thông được tổ chức dưới nhiều hình thức như nói chuyện, tọa đàm, diễn kịch, biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc, hỏi đáp,…với nhiều chủ đề thiết thực như phòng chống tái nghiện, giảm tác hại, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, chống kỳ thị với người nghiện ma túy, người có HIV,… đã giúp cho học viên nâng cao nhận thức về những vấn đề thật sự gẫn gũi và cần thiết cho mình, từng bước thay đổi hành vi để hướng tới cuộc sống an toàn hơn. Hoạt động truyền thông của dự án đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV cho nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện ma túy và người bán dâm đang trong thời gian học tập, chữa bệnh tại các Trung tâm CBGDLĐXH.

Tham gia vào dự án, tại tất cả 35 Trung tâm CBGDLĐXH đã thành lập Nhóm chăm sóc và điều trị gồm các nhân viên trong đang công tác tại bộ phận y tế của Trung tâm, có nhiệm vụ thực hiện công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân là học viên trong Trung tâm và tham gia vào các hoạt động khác trong phạm vi dự án. Để nâng cao năng lực cho các Nhóm chăm sóc và điều trị của 35 Trung tâm CBGDLĐXH, trong các năm từ 2008 đến 2011, dự án đã liên tục tổ chức các lớp tập huấn về điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) cho người nhiễm HIV, chăm sóc HIV/AIDS.

Dự án thành phần Bộ LĐTBXH tại các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với dự án thành phần Y tế để thực hiện điều trị ARV cho bệnh nhân tại các Trung tâm. Theo đó, Trung tâm phòng, chống AIDS các địa phương đã thường xuyên cử các nhóm công tác đến các Trung tâm CBGDLĐXH để thực hiện hỗ trợ kỹ thuật trong công tác chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Kết quả đã có 5.307/6.142 người được điều trị ARV, đạt 86,4% so với chỉ tiêu.

Song song với điều trị ARV, công tác điều trị nhiễm trùng cơ hội cho bệnh nhân HIV/AIDS trong các Trung tâm CBGDLĐXH luôn được các Nhóm chăm sóc và điều trị thực hiện tích cực. Với sự hỗ trợ thuốc từ dự án, từ năm 2008  đến năm 2014 đã có 6.391 bệnh nhân được điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; 10.781 người được sàng lọc lao; 26.524 người được khám sàng lọc và 4.665 người được điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc, điều trị, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Với bệnh nhân HIV, quá trình điều trị ARV có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe do những tác dụng không mong muốn của thuốc ARV. Nhằm nâng cao thể trạng cho bệnh nhân, giúp họ đảm bảo sức khỏe khi tham gia chương trình điều trị ARV, dự án đã thực hiện hỗ trợ về dinh dưỡng cho bệnh nhân thông qua việc cung cấp kinh phí để các Trung tâm CBGDLĐXH tăng thêm khẩu phần ăn với sự bổ sung năng lượng và dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh. Hoạt động này được thực hiện từ năm 2008 đến năm 2010. Tổng cộng đã có 6.529 bệnh nhân điều trị ARV tại các Trung tâm CBGDLĐXH được nhận hỗ trợ về dinh dưỡng.

Hỗ trợ người sau cai tái hoà nhập cộng đồng

Hoạt động hỗ trợ người sau cai tái hòa nhập cộng đồng gọi tắt là điểm CRSS được triển khai tại 16 tỉnh, bao gồm: Bắc Giang, Đắc Lắc, Đồng Nai, Hải Dương, Hòa Bình, Lạng Sơn, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái. Các điểm này được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2011 đến hết năm 2013.

Hoạt động chính của CRSS là: tư vấn dự phòng tái nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho những người sau cai nghiện ma túy và gia đình của họ tại cộng đồng; tư vấn, cung cấp thông tin, giới thiệu về các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, điều trị Methadone, giảm tác hại tại cộng đồng cho người nghiện ma túy, người sau cai và gia đình của họ; tổ chức câu lạc bộ sau cai nghiện với nòng cốt là nhóm đồng đẳng và người sau cai nghiện ma tuý, người nhiễm HIV, sinh hoạt hàng tháng về các nội dung: truyền thông giáo dục phòng lây nhiễm HIV, trao đổi những kinh nghiệm phòng, chống tái nghiện và điều trị thay thế Methadone, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao.

Đến cuối năm 2013 đã có 15 Câu lạc bộ sau cai được thành lập, với sự tham gia của 1.221 người sau cai nghiện. Các câu lạc bộ đã tổ chức truyền thông 275 cuộc cho 26.075 người; tư vấn dự phòng lây nhiễm HIV cho 1.720 lượt người, tư vấn dự phòng tái nghiện cho 1.697 lượt người; giới thiệu 316 người nghiện đến dịch vụ điều trị methadone; 616 lượt người đến dịch vụ y tế phù hợp như dự phòng nhiễm HIV, điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; 631 lượt người đến các trường, trung tâm đào tạo nghề; 218 lượt người được tạo việc làm tại cộng đồng.

Theo kế hoạch được phê duyệt, trong các năm 2013 và 2014, dự án thành phần Bộ LĐTBXH hỗ trợ triển khai 08 cơ sở điều trị Methadone. Kế hoạch đề ra là mỗi cơ sở có thể tiếp nhận điều trị Methadone cho 200 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện tại cộng động. Tuy nhiên, do phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về cơ sở hạ tầng theo quy định của Bộ y tế, nên việc thành lập và triển khai hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone đã chậm hơn dự kiến. Đến năm 2014, mới có 05 cơ sở điều trị Methadone do dự án thành phần Bộ LĐTBXH hỗ trợ đi vào hoạt động (so với 08 cơ sở theo dự kiến). Do đó, việc thực chỉ tiêu về điều trị Methadone còn ở mức độ thấp. Tuy vậy, sau khi đi vào hoạt động ổn định, các cơ sở này sẽ từng bước tăng thêm số bệnh nhân.

Theo báo cáo của các cơ sở, dự kiến đến hết năm 2015, mỗi cơ sở sẽ đạt được công suất điều trị tối đa theo tính toán ban đầu là 200 bệnh nhân/cơ sở. Trong khi đó, 03 cơ sở còn lại dự kiến cũng sẽ thành lập và đi vào hoạt động trong năm 2015.

Top