Nghệ An: Tín dụng cho nhóm người yếu thế còn nhiều khó khăn

05/03/2018 14:41

Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh trên cả nước được lựa chọn thí điểm thực hiện Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, người bán dâm hoàn lương. Sau 2 năm triển khai thực hiện thí điểm, tại Nghệ An chỉ mới có 18 người thuộc diện được vay vốn, với số tiền giải ngân chưa đến 1⁄2 nguồn vốn Trung ương cấp.

Do sợ bị kỳ thị nên nhiều người trong nhóm yếu thế không dám đứng lên vay vốn. Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Theo Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, để thực hiện Quyết định 29, Sở đã chỉ đạo phòng LĐTB&XH thông báo Quyết định và hướng dẫn cho vay theo Quyết định số 29 đến tận thôn, bản. Ngân hàng Chính sách xã hội công khai các văn bản tại điểm giao dịch xã; phổ biến nội dung tại các phiên họp giao ban tại xã và các lớp tập huấn nghiệp vụ; photocopy tài liệu đến các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn...

Bên cạnh đó tổng hợp, rà soát những đối tượng yếu thế có nhu cầu vay vốn và hướng dẫn đối tượng các thủ tục, địa điểm nộp hồ sơ đăng ký vay vốn.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương triển khai đăng ký nhu cầu vay vốn. Căn cứ nhu cầu đề nghị vay vốn, các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã trực tiếp chỉ đạo Tổ Tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét cho vay có sự chứng kiến của Trưởng thôn, bản đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng.

Đến nay, đã có 18 người sau cai nghiện ma túy được vay vốn với tổng số vốn vay là hơn 450 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay các hộ gia đình đã thực hiện mua bò để chăn nuôi, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Do có việc làm nên các họ đã tu chí làm ăn, chưa có trường hợp nào tái nghiện.

Theo Sở LĐTB&XH Nghệ An, hiện nay việc hỗ trợ tín dụng cho nhóm người yếu thế trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do thủ tục để được cho vay vốn hiện nay còn nhiều phức tạp. Người nhiễm HIV, người sau cai, người bán dâm hoàn lương muốn được vay vốn phải qua tổ tiết kiệm địa phương, qua tổ dân phố họp xét, bình bầu. Do cảm giác tự ti, mặc cảm nên hầu hết người yếu thế không chủ động tiếp cận nguồn vốn vay. Ví dụ người bán dâm, người nhiễm HIV muốn được vay vốn phải xin xác nhận của phường, xã, điều này khiến họ sợ bị xã hội kỳ thị. Số vốn tối đa được vay là 20 triệu đồng/1 cá nhân và 30 triệu đồng/1 hộ gia đình chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu về vốn của các đối tượng, đặc biệt là đối tượng ở khu vực thành phố.

Vào tháng 2 năm 2016, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giao chỉ tiêu nguồn vốn cho vay theo Quyết định 29 cho các đơn vị với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua gần 2 năm thực hiện toàn chi nhánh mới cho vay được 18 trường hợp với số tiền 458 triệu đồng. Nguồn vốn còn tồn đọng 842 triệu đồng. Nguyên nhân là do không có đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện, được bình xét cho vay. Mặc dù cán bộ NHCSXH đã tích cực tuyên truyền, phối hợp tìm kiếm đối tượng để cho vay nhưng kết quả không cao

Để Quyết định 29 thực sự phát huy hiệu quả, Sở LĐTB&XH Nghệ An kiến nghị cần đơn giản hóa thủ tục cho vay. Trình tự thủ tục phải đơn giản, thông thoáng. Cần sàng lọc, xem xét kỹ đối tượng cho vay để đảm bảo cho vay đúng đối tượng thực sự có nhu cầu, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, qua đó giảm thiểu rủi ro khi cho đối tượng vay vốn. Tăng cường công tác tuyên truyền giảm kỳ thị xã hội để nhóm người yếu thế chủ động tiếp cận nguồn vốn. Tăng thêm số vốn tối đa được vay cho các đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là các đối tượng ở khu vực thành phố…

Top