Ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tệ nạn ma tuý ngay tại điểm phát sinh

17/04/2018 14:14

Để sớm đẩy lùi, tiến tới loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội thì việc ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tệ nạn ma túy ngay tại điểm nó phát sinh sẽ là nhiệm vụ và giải pháp mang tính căn cơ và bền vững nhất.

Tuyên truyền vận động người dân tích cực đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy. Ảnh minh hoạ

Phát huy sức mạnh của các thể chế sẵn có

Trong bối cảnh tình hình tội phạm và ma túy trong khu vực và trên thế giới diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định và phát triển của nhiều quốc gia thì nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn loại tệ nạn nguy hiểm này luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua, Đảng, Chính phủ mà trực tiếp là Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách pháp luật phòng, chống ma túy của Đảng, Chính phủ, về tác hại của hành vi sử dụng trái phép các chất ma túy; tổ chức điều trị cho người mắc nghiện ma túy và hạn chế tới mức thấp nhất tác hại của ma túy gây ra cho người nghiện cũng như cho toàn xã hội.

Để sớm đẩy lùi, tiến tới loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội thì việc ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tệ nạn ma túy ngay tại điểm nó phát sinh sẽ là nhiệm vụ và giải pháp mang tính căn cơ và bền vững nhất. Đó cũng chính là lý do Chính phủ quyết định đưa dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy giai đoạn 2011-2015 nhằm phát huy sức mạnh của các thể chế sẵn có tại cộng đồng như lực lượng công an, y tế, trường học, các tổ chức chính trị - xã hội. Dự án được Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và phê duyệt và tổ chức triển khai trên địa bàn 11.165 xã, phường, thị trấn của cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 26/7/2013, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 4060/QĐ-BCA phê duyệt Dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy”. Trong đó, đề ra các mục tiêu rất cụ thể như: Giữ vững những địa bàn không có tệ nạn ma túy; tiếp tục chuyển hóa tình hình ma túy ở những địa bàn trọng điểm phức tạp loại I xuống loại II và phấn đấu giải quyết cơ bản tình hình ma túy ở những địa bàn ít phức tạp để đến khi tổng kết dự án, giảm được 10% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong cả nước.

Các nội dung lớn cần tập trung chỉ đạo trong quá trình triển khai, gồm: Bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho cán bộ tham gia công tác phòng, chống ma túy ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy; tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại địa bàn kết hợp tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; lập hồ sơ đề nghị xét duyệt những người cần bắt buộc cai nghiện tập trung; quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện; phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy ở xã, phường, thị trấn; kiểm soát chặt chẽ tình hình trồng, tái trồng cây  có chất ma túy; kịp thời phát hiện và vận động nhân dân phá nhổ cây có chất ma túy. Đối với những xã thuộc khu vực biên giới còn thêm nhiệm vụ phối hợp với chính quyền các địa phương của nước bạn làm tốt công tác hợp tác quốc tế trong phát hiện, ngăn chặn tội phạm về ma túy.

Ngay trong quá trình soạn thảo văn kiện dự án, một số thành viên Ban soạn thảo cũng có những băn khoăn nhất định về tên gọi của dự án. Phải chăng xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp như hiện nay là quá tham vọng, trong khi cả nước có tới 158.414 người và chưa có dấu hiệu giảm. Các loại ma túy tổng hợp như Methamphetamine dạng viên (hồng phiến), Methamphetamine dạng tinh thể (ma túy đá), các chất hướng thần đang lan rộng và ngày càng trở nên phổ biến do giá thành ngày càng rẻ và việc phát hiện, điều trị đang gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng cũng đã có sự đồng thuận trong Ban soạn thảo về tên của dự án với lý do là: Mục tiêu không đặt ra đến cuối năm 2015 sẽ giải quyết xong vấn đề ma túy ở cả nước.

Việc xây dựng và triển khai dự án thể hiện quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với loại tệ nạn này và việc đặt tên như vậy hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của cộng đồng quốc tế nêu ra trong tuyên bố chính trị của năm 1998, các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và cam kết về một ASEAN không ma túy vào năm 2015 giữa các nước trong khu vực.

Ban Quản lý dự án đặt tại Bộ Công an do một đồng chí Thứ trưởng làm Trưởng ban. Các thành viên trong Ban Quản lý là đại diện lãnh đạo vụ, cục của một số bộ, ngành. Tổng cục Cảnh sát mà trực tiếp là Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy là bộ phận giúp việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn.

Sau khi dự án được phê duyệt, Bộ Công an với vai trò là cơ quan thường trực đã có hướng dẫn các địa phương tổng rà soát, phân loại mức độ nghiêm trọng tình hình ma túy ở địa phương (theo các tiêu chí quy định tại Quyết định 3122/2010/QĐ-BCA); thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo ở tất cả xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Năm 2011, theo thống kê của Văn phòng Thường trực phòng, chống tội phạm và ma túy, trong tổng số 11.162 xã, phường, thị trấn của cả nước, tệ nạn ma túy đã xâm nhập 65,2% số xã phường. Trong đó, số địa bàn trọng điểm loại I (có từ 100 người nghiện ma túy trở lên) chiếm 2,7%; địa bàn trọng điểm loại 2 chiếm 4,5%; địa bàn trọng điểm loại III chiếm 18,5%. Tổng số xã, phường, thị trấn không phát hiện tệ nạn ma túy chỉ còn 34,8%.

Trên cơ sở những số liệu đã có, trước khi triển khai trên diện rộng, Bộ Công an đã phối hợp với các địa phương lựa chọn 12 địa bàn cấp xã thuộc 6 tỉnh, thành phố đại diện cho tình hình tệ nạn ma túy của cả nước để tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Đó là: Bắc Giang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hòa Bình, Đà Nẵng, An Giang.

Ban Quản lý dự án đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tổ chức các hoạt động từ khâu tổng rà soát người nghiện, người nghi nghiện đến việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chủ chốt tại địa bàn. Nhờ có sự ưu tiên đầu tư kinh phí cho các xã, phường này (gấp khoảng 10 lần so với mức đầu tư chung cho các xã, phường, thị trấn trong cả nước) các hoạt động phòng, chống ma túy đã được triển khai quyết liệt, tạo được chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt, tạo được sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân. Đảng ủy, chính quyền cấp xã phát huy vai trò trong hàng loạt công việc từ khâu ra nghị quyết chỉ đạo, lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Công tác rà soát, thống kê tình hình tệ nạn ma túy cũng được chú trọng hơn. Biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy đa dạng, thiết thực hơn. Một số nơi như Phường An Hải Châu 2 thuộc Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng, người dân địa phương vì tin tưởng vào các biện pháp mà chính quyền đưa ra đã tích cực  cung cấp nhiều thông tin có giá trị về tội phạm ma túy qua đường dây nóng.

Sau khi tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, dự án sau đó được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Cùng với việc thực hiện Kế hoạch số 15/KH-BCA-C41 về việc tổng ra soát người nghiện trên toàn quốc, UBND các tỉnh, thành phố đã phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện người nghiện; vận động người nghiện có hồ sơ kiểm soát cung cấp thông tin về những người nghiện ngoài xã hội chưa nằm trong danh sách quản lý.

Kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ do lực lượng Công an các cấp tiến hành, đến cuối năm 2014, cả nước đã phát hiện mới 15.682 người nghiện mới; 8.692 người tái nghiện, nâng tổng số người nghiện cả nước lên 204.377 người nghiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy ở nhiều địa phương đã tiến bộ, đi vào thực chất, giảm bớt tính phô trương. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động mít tinh, diễu hành, nói chuyện chuyên đề, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về ma túy, bước đầu đã có các hoạt động phòng ngừa chuyên biệt cho các nhóm có nguy cơ mắc nghiện cao như: thanh thiếu niên không trong tổ chức đoàn, đội, người thường xuyên đi làm ăn xa, học sinh cá biệt,...

Để nâng cao kỹ năng truyền thông về phòng, chống ma túy cho cán bộ cấp cơ sở, Ban Quản lý dự án ở trung ương đã mở 27 lớp tập huấn tại 27/713 quận, huyện của cả nước. Nhiều cán bộ sau đó đã trở thành tuyên truyền viên nòng cốt cho các địa phương. Công tác điều trị nghiện gặp nhiều khó khăn cả khâu lập hồ sơ đưa người nghiện  vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc lẫn việc tổ chức cai nghiện tại gia đình cộng đồng và quản lý sau tại địa bàn do thời điểm này nhiều vướng mắc về pháp luật chậm được xử lý (thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy và quy trình đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc thiếu đồng bộ,...); việc hỗ trợ vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,... đã chủ động tháo gỡ các vướng mắc đưa từ 70-80% số người nghiện đi cai nghiện tập trung theo kế hoạch. Một số địa phương khác vẫn kiên trì xây dựng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng theo phong cách riêng như: “Cai nghiện tại cộng đồng kết hợp cai nghiện tại trung tâm” của tỉnh Sơn La; mô hình “cai nghiện tại gia đình” ở Thành phố Nam Định; mô hình “cai nghiện theo cụm xã” tại tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Nghệ An, v.v...; mô hình “cảm hóa, giúp đỡ người nghiện” tại phường Cẩm Phố, thành phố Hội An; mô hình “quân dân y cai nghiện ma túy và giải quyết sau cai nghiện tại các xã khu vực biên giới”,...

Công tác phát hiện, triệt xóa cây có chất ma túy đạt được nhiều kết quả đáng kể. Diện tích cây thuốc phiện, cây cần sa được kiềm chế ở mức dưới 10 héc-ta trong suốt thời gian triển khai dự án.

Có sự chuyển biến rõ rệt ở một số địa phương

Nhìn chung, việc triển khai dự án “Xây dựng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy” đã đi đúng hướng, đáp ứng những yêu cầu rất cấp thiết của công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở, vì vậy được sự hưởng ứng tích cực của chính quyền và người dân địa phương. Những thành công có thể thấy như sau:

Thứ nhất, dự án được chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu xây dựng kế hoạch đến khâu tổ chức thực hiện. Trên Trung ương có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tổ chức hỗ trợ về chuyên môn và thường xuyên kiểm tra, nhất là trong giai đoạn thí điểm để rút kinh nghiệm. Trong khi kinh phí của nhiều dự án bị cắt giảm nghiêm trọng, Chính phủ vẫn bố trí được ¾ tổng tổng kinh phí dự toán ban đầu (535 tỷ đồng trong thời hạn 4 năm). Việc đầu tư trực tiếp 97% kinh phí của dự án cho các hoạt động ở cấp cơ sở cũng là cách làm mới vì giảm các chi phí trung gian. Cuốn sổ tay phòng, chống ma túy – một sản phẩm của dự án được địa phương đánh giá là tài liệu có giá trị cao về chuyên môn, cung cấp nhiều thông tin bổ ích phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở.

Ở địa phương, Ban chỉ đạo cấp xã đã có nhiều văn bản chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể theo tháng, quý. Trong đó xác định các vấn đề ưu tiên cần giải quyết và có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể.

Thứ hai, thông qua dự án phong trào quần chúng nhân dân được củng cố và phát triển. Nội dung công tác phòng, chống ma túy được lồng ghép với các phong trào khác như với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động.

Thứ ba, việc chọn nội dung nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng, chống ma túy kết hợp chú trọng đến công tác rà soát thống kê người nghiện làm điểm nhấn của dự án góp phần tạo nên sự thành công của dự án. Năng lực tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực, nhất là năng lực rà soát, thống kê người nghiện, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống ma túy, phát hiện, tố giác tội phạm. Ở nhiều địa phương đã xuất hiện các tuyên truyền viên có trình độ chuyên môn và kỹ năng truyền thông khá tốt.

Thứ tư, tình hình tệ nạn ma túy ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến rõ rệt, góp phần hạn chế được tốc độ gia tăng của tệ nạn ma túy ở nhiều địa phương. Số xã, phường, thị trấn trọng điểm loại I đã giảm 0,03%; hàng trăm tụ điểm và hàng ngàn điểm phức tạp về ma túy đã được xóa; tỷ lệ số vụ, số đối tượng phạm tội về ma túy bị bắt giữ năm sau tăng hơn năm trước.

Tính bền vững chưa cao

Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, một số mục tiêu của dự án đã không đạt được như kỳ vọng ban đầu. Tính bền vững chưa cao. Ngay cả các địa bàn được chọn và đầu tư thí điểm ở giai đoạn đầu cũng không duy trì được các hoạt động do thiếu kinh phí.

Đến năm 2015, vẫn còn 76% xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy (với 2,5% thuộc nhóm trọng điểm loại I; 4,5% trọng điểm loại  II và 20% trọng điểm loại III). Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc căn cứ số lượng xã, phường, thị trấn không tệ nạn ma túy giảm để đánh giá tính hiệu quả của dự án là chưa thỏa đáng vì chỉ cần một xã hoặc một phường trong nhóm xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy phát hiện một người nghiện thôi thì coi như xã, phường đó chuyển sang nhóm xã, phường có ma túy. Trong khi đó việc kéo giảm người nghiện ở một địa bàn đã có ma túy xuống vài chục thậm chí cả trăm người thì ít được quan tâm. Có thể thấy một số nguyên nhân như sau:

Thứ nhất, dự án được triển khai trong bối cảnh tình hình chung về ma túy trong khu vực rất phức tạp với sự xuất hiện và lan rộng của các loại ma túy tổng hợp, chất hướng thần.

Thứ hai, dự án chậm được phê duyệt và triển khai. Toàn bộ thời gian thực hiện dự án chỉ chưa đầy 4 năm; số quận, huyện được Ban quản lý dự án ở trung ương tập huấn chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số quận, huyện trên cả nước. Phần lớn số quận, huyện do Ban chỉ đạo các địa phương trực tiếp tổ chức tập huấn nhưng do kinh phí hạn hẹp nên thiếu thường xuyên, liên tục và hiệu quả hạn chế.

Thứ ba, trong thời gian dự án được triển khai nhiều vướng mắc về quy định pháp luật về cai nghiện ma túy chậm được khắc phục dẫn đến việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc lúng túng. Quan điểm về tính hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn thiếu thống nhất do vậy công tác này chưa được các cấp, các ngành thực sự quan tâm.

Thứ tư, kinh phí phòng, chống ma túy dành cho cơ sở còn rất hạn chế. Bình quân mỗi xã, phường, thị trấn một năm mới được đầu tư khoảng 5 triệu đồng. Nếu không được hỗ trợ thêm từ ngân sách của tỉnh, thành phố thì khó có thể thực hiện đủ  các hoạt động như đề ra trong dự án.

Thứ năm, trong khi đại bộ phận các xã, phường, thị trấn trong cả nước tích cực triển khai các hoạt động của dự án thì cá biệt vẫn có một số địa phương cấp xã chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí một vài xã ở Yên Bái, Hà Giang chưa thành lập Ban chỉ đạo.

Để khắc phục những thiếu sót này đồng thời tiếp tục củng cố những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Chính phủ vẫn tiếp tục đầu tư cho việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn.

Dự án trong giai đoạn từ nay đến 2020 vẫn do Bộ Công an chủ trì sẽ tập trung cho việc huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tích cực tham gia công tác phòng, chống ma túy thông qua việc phát huy triệt để tiềm năng của các tổ chức đảng, cơ quan chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở; trang bị kiến thức, kỹ năng về tổ chức các hoạt động phòng ngừa ma túy, công tác cai nghiện và quản lý sau cai cho cán bộ của Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy, mại dâm và xây dựng phong trào an ninh tổ quốc tại tất cả số xã, phường, trọng điểm về ma túy; mỗi năm phấn đấu giảm từ 1% - 2% số người nghiện ma túy trên địa bàn và giảm từ 1% - 2% đối với các xã, phường, thị trấn ít phức tạp về tệ nạn ma túy trở thành địa bàn không có tệ nạn ma tuý.

Phấn đấu đến 2020, giảm mức độ phức tạp của 20% số xã, phường, thị trấn; chuyển 50% số xã, phường phức tạp loại I thành xã, phường phức tạp loại II; không để phát sinh tình trạng trồng cây có chất ma túy ở những địa bàn mới; triệt xóa 100% diện tích cây có chứa chất ma túy trồng trái phép phát hiện.

Đại tá Tạ Đức Ninh

Văn phòng thường trực phòng chống ma tuý và tội phạm, Bộ Công an

Top