Mô hình Điểm tư vấn tại Bắc Giang: Hiệu quả nhiều, khó khăn không ít

03/07/2018 15:37

Sau một thời gian triển khai, Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang mang lại một số kết quả tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ, người nghiện được gần gũi với gia đình.

Theo kết quả khảo sát lực lượng chức năng, toàn tỉnh Bắc Giang có 2.152 người nghiện có hồ sơ quản lý; trong đó, tính đến tháng 5/2018, số đang ở trong trại tạm giam, nhà tạm giữ là 52 người; số đang ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là 127 người; số đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh là 40 người; số người uống Methadone tại cộng đồng là 1.093 người.          

Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng được coi là giải pháp để giúp người nghiện ma túy có cơ hội điều trị tại cộng đồng và giảm tải cho cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc tập trung. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau từ khi Nghị định số 94/2010/NÐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng có hiệu lực, tỉnh Bắc Giang vẫn chưa triển khai thực hiện được. Tỷ lệ tái nghiện cao, tình hình người nghiện ma túy có xu hướng gia tăng.

Trước tình hình đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; đồng thời thực hiện nghiêm túc Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 (Bắc Giang là 1 trong số các tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thực hiện QĐ 2596), tháng 2/2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án cùng Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đổi mới cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, năm 2014, 2015 đã thí điểm thành lập mô hình 10 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng (Điểm tư vấn) của 10 huyện/thành phố trên địa bàn tỉnh.

Những kết quả khả quan

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Giang, việc thành lập Điểm tư vấn nhằm mục đích hỗ trợ chuyển đổi một phần mô hình cai nghiện bắt buộc tập trung sang mô hình điều trị nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng và được đặt ở các Trạm Y tế tuyến xã. Mô hình Điểm tư vấn ra đời sẽ đảm nhận chức năng tiếp cận, vận động, tư vấn cho người sử dụng ma túy lựa chọn các chương trình điều trị và hỗ trợ tư vấn sau điều trị, chăm sóc phục hồi và phòng ngừa tái nghiện; cắt cơn giải độc, cấp phát thuốc Methadone; kết nối chuyển gửi, các hỗ trợ xã hội về dạy nghề, quỹ tín dụng, tạo việc làm và các quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan đến người nghiện hoặc sau khi cai nghiện trở về gia đình.

Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, tăng cường sức khỏe người nghiện sau cai và nâng cao công tác cai nghiện phục hồi. Đặc biệt, việc hỗ trợ của địa phương trong giới thiệu việc làm phù hợp sau cai sẽ giúp người cai nghiện thay đổi cuộc sống, quên đi quá khứ, làm lại cuộc đời.

Tư vấn điều trị cho người nghiện ma túy. Ảnh Nhật Thy

Về cơ sở vật chất của Điểm tư vấn cơ bản là cải tạo, nâng cấp 3 phòng của Trạm Y tế tuyến xã để thực hiện chức năng lồng ghép và được trang bị đầy đủ các dụng cụ y tế, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị làm việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Về cơ cấu nhân sự của mỗi Điểm tư vấn gồm 07 người: Chủ nhiệm điểm là Lãnh đạo UBND, các thành viên gồm: Y tế, LĐTB&XH, Phụ nữ, Công an và đồng đẳng viên.

Với quy trình điều trị nghiện theo mô hình Điểm tư vấn được thực hiện trong thời gian từ 7 đến 10 ngày. Người sử dụng ma túy tự nguyện đăng ký tham gia sẽ được y, bác sĩ trực tiếp tư vấn, khám sàng lọc. Sau khi lập hồ sơ, bệnh án sẽ được bố trí phòng ở tại Điểm tư vấn để tiến hành điều trị. Khác với cai nghiện bắt buộc, với mô hình này, trong thời gian dùng thuốc cắt cơn, giải độc, người bệnh hoàn toàn được tự do, thoải mái, không bị ràng buộc. Đặc biệt, việc cho phép người thân, gia đình người nghiện cùng tham gia quản lý, trợ giúp trong quá trình cai nghiện và các tổ chức đoàn thể của địa phương đến động viên thăm hỏi cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực giúp người nghiện quyết tâm vượt qua khó khăn, đau đớn trong giai đoạn này.

Đến nay, các Điểm tư vấn đã tổ chức điều trị cắt cơn, giải độc thành công cho 46 người. Tư vấn nhóm 157 buổi. Tư vấn cá nhân cho người sử dụng ma túy và người dân địa phương: 1.593 lượt người. Sinh hoạt nhóm hàng tháng 178 buổi với tổng số thành viên tham gia là 132 người. Từ năm 2017 tiếp tục thí điểm triển khai việc cấp phát thuốc Methadone tại 4 Điểm tư vấn thuộc các huyện Sơn Động, Lạng Giang, Việt Yên, Lục Nam, về cơ sở vật chất đã được trang bị đầy đủ, tuy nhiên do Ngành Y tế chưa chỉ đạo việc thực hiện cấp phát Methadone tại Điểm tư vấn.

Mặc dù tỷ lệ tái nghiện còn cao song mô hình Điểm tư vấn đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, người nghiện được gần gũi với gia đình. Các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ người cai nghiện ngày càng được tăng cường như thăm hỏi, chăm sóc sức khỏe, tư vấn chống tái nghiện và hỗ trợ học nghề tạo việc làm. Hoạt động tạo việc làm, vay vốn đã được chú trọng hơn thông qua Chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn. Công tác cai nghiện tại cộng đồng gắn với quản lý địa bàn, không để tồn tại các tụ điểm mua bán ma túy trái phép diễn ra và hạn chế số người nghiện mới phát sinh; mặt khác, đã khích lệ được số người nghiện chưa có trong hồ sơ quản lý của địa phương cũng tự nguyện tham gia. Sự kỳ thị của xã hội đối với người nghiện ma túy đã giảm đi rõ rệt, không còn tình trạng người nghiện ma túy bị ruồng bỏ hoặc bỏ nhà đi lang thang làm cho cuộc sống của họ khó khăn hơn và ảnh hưởng đến môi trường xã hội...

Vẫn còn đó những khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các hoạt động tại Điểm tư vấn. Thành viên Điểm tư vấn làm việc chủ yếu là kiêm nhiệm, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì còn phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau tại địa phương nên việc bố trí thời gian tham gia công tác điều trị nghiện ma túy còn hạn chế, mặt khác chưa có chế độ hỗ trợ cho các thành viên.

Bên cạnh đó, đa phần cơ sở vật chất tại Trạm Y tế không phù hợp với hoạt động của Điểm tư vấn điều trị nghiện tại cộng đồng. Thành viên Nhóm tự lực là người sử dụng ma túy chưa thường xuyên tham gia sinh hoạt, một phần do các thành viên phải đi lao động để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống hàng ngày của bản thân, gia đình, mặt khác việc tham gia sinh hoạt Nhóm là tự nguyện, không bắt buộc nên ảnh hưởng phần nào đến việc tham gia sinh hoạt nhóm thường xuyên, đầy đủ.

Người sử dụng ma túy số đông còn mang tính mặc cảm, tự ti, buông xuôi, phó mặc, thiếu ý chí và quyết tâm cai nghiện, chưa tự giác tham gia vào công tác điều trị nghiện tại cộng đồng; khi Điểm tư vấn mới đi vào hoạt động có kinh phí hỗ trợ thì người sử dụng nghiện ma túy tích cực tham gia; đến khi không còn sự hỗ trợ thì họ hạn chế đến tham gia vào các hoạt động xã hội do các tổ chức đoàn thể địa phương phát động.

 

Gia đình người nghiện đóng vai trò then chốt trong việc điều trị nghiện tự nguyện dựa vào cộng đồng nhưng vì bận mưu sinh hoặc thiếu quan tâm, kiến thức... nên nhiều gia đình đã không thể giám sát hỗ trợ người nghiện trong quá trình điều trị và quản lý sau cai.

Top