Hướng đến môi trường dịch vụ điều trị nghiện ma tuý nhân văn

06/09/2019 12:05

10 năm trở lại đây, chính sách của nhà nước cũng như nhận thức của xã hội về người sử dụng ma tuý tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Trong đó, mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý” mới được thực hiện ở 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm (Hà Nội) là nỗ lực nhằm hướng đến một môi trường dịch vụ điều trị nghiện ma tuý nhân văn, hiệu quả và có sự tham gia của cộng đồng.

Điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma tuý đặt tại Trạm Y tế phường Cầu Diễn - Ảnh: H.Anh

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm mô hình do Sở LĐTB&XH và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI). Mô hình bước đầu được thực hiện tại 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm với 6 điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) chính thức khởi động từ tháng 4/2019.

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý" (gọi tắt là Mô hình chuyển gửi) là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý liên quan.

Anh Nguyễn Đình Hưng (tổ 4, phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm) cho biết, anh đã cai nghiện ma túy thành công cách đây 10 năm. Thời đó, việc cai nghiện gặp khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Anh phải đối diện với sự kì thị của cộng đồng, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ việc làm… Với sự ra đời các dịch vụ hỗ trợ cai nghiện như hiện nay, theo anh Hưng là rất cần thiết - vừa tạo cảm giác thân thiện cho người cai nghiện, vừa dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng.

Tiếp cận sớm với người nghiện ma túy

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hộ, Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính đến hết ngày 30/6/2019, đã có 59/150 người nghiện ma tuý được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi đạt 39,3% chỉ tiêu.

Các hoạt động của mô hình chuyển gửi mà người nghiện ma tuý đã được tiếp cận trực tiếp gồm: Tư vấn, sàng lọc và can thiệp ngắn; tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV; chuyển gửi đến các cơ sở điều trị Methadone; chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma tuý; hỗ trợ pháp lý; chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; chuyển gửi điều trị sức khoẻ tâm thần và các hoạt động tư vấn, chuyển gửi khác theo mô hình. Đây là những dịch vụ rất thiết thực đối với người nghiện ma tuý, giúp cho họ tiếp cận được nhanh nhất, hiệu quả nhất, kịp thời đáp ứng nhu cầu, mong muốn được tham gia điều trị, cai nghiện, hỗ trợ phòng chống tái nghiện.

Ngay từ khi được triển khai, Mô hình này đã được các cấp lãnh đạo từ Trung ương, Thành phố và Sở LĐTB&XH Hà Nội rất quan tâm, được cụ thể bằng các văn bản chỉ đạo, cũng như sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo UBND các quận Long Biên, Nam Từ Liêm và 6 phường tham gia thí điểm. Các lực lượng chức năng tại các phường thực hiện thí điểm gồm: Công an, y tế, Đội công tác xã hội tình nguyện, câu lạc bộ B93… đã có sự phối hợp rất tích cực, nhịp nhàng để từ đó làm tốt hơn vai trò tham mưu cho UBND phường về công tác phòng chống ma tuý tại địa phương.

Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội cho biết, kì vọng của mô hình là tăng cường sự phối hợp liên ngành trong các cơ quan chuyên môn của thành phố để tiếp cận sớm với người nghiện ma túy, đưa họ vào mô hình điều trị với góc độ can thiệp về chuyên môn. Công tác quản lý về công tác cai nghiện ma túy cũng đòi hỏi nâng cao chất lượng và hiệu quả cai nghiện ma túy hiện nay.

Điểm mới của mô hình là có sự tham gia của lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, khiến cho mô hình mang điểm mới đó là sự thân thiện đối với người sử dụng/nghiện ma tuý tại cộng đồng - điều này rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân.

Từ đó, mô hình sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng được phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản, góp phần tạo điều kiện hơn nữa giúp người sử dụng ma tuý cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trong quá trình thực hiện mô hình còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được kịp thời khắc phục. Người nghiện và gia đình người nghiện còn tâm lý e ngại khi được Công an và Điều phối viên tiếp cận, tư vấn, vận động tham gia quá trình chuyển gửi nên cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền, giới thiệu mô hình trong cộng đồng dân cư.

Công tác huy động các nguồn lực để hỗ trợ tạo việc làm, tạo thu nhập cho người tham gia mô hình chuyển gửi còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Một số địa phương còn tận dụng sử dụng cơ sở vật chất để làm việc nên hiệu quả công tác của các Điều phối viên còn gặp những khó khăn…

Với những kết quả tích cực đạt được trên, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các quận thực hiện thí điểm để chỉ đạo các phường và các đơn vị cung cấp dịch vụ để phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ giúp người nghiện và gia đình người nghiện ma tuý có được hiệu quả mong muốn khi có nhu cầu tham gia cai nghiện ma túy, thường xuyên có sự đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra những phương pháp, cách làm hay, những địa phương tích cực, hiệu quả để làm mô hình mẫu cho việc triển khai mở rộng trên địa bàn Thành phố sau khi kết thúc thời gian thí điểm.

Top