Hướng đến kiểm soát dịch HIV bền vững tại Việt Nam

26/09/2018 13:18

Từ đầu năm đến nay, Dự án C-Link đã phát hiện và chuyển gửi điều trị thành công được 2.381 trường hợp nhiễm HIV dương tính mới, chiếm tới hơn 30% trong tổng số trường hợp nhiễm HIV tìm được tại TPHCM.

Ông Timothy Liston, Phó Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại TPHCM phát biểu khai mạc tại hội thảo. Ảnh: Hữu Thủy

Trung tâm Nâng cao Chất lượng Cuộc sống (LIFE) vừa tổ chức Hội thảo “Bước chân Vạn dặm - Chuỗi thay đổi, sáng kiến hướng đến kiểm soát dịch HIV bền vững tại Việt Nam”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường Kết nối Cộng đồng Phòng, chống HIV phía nam (C-Link) với sự hỗ trợ của Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Tham dự Hội thảo có ông Timothy Liston Phó Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Việt Nam. Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; đại diện PEPFAR tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo một số Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS khu vực phía nam đang triển khai dự án C- link như TPHCM, Đồng Nai, Tây Ninh và Khánh Hòa. Đặc biệt là sự có mặt của hơn 30 tổ chức xã hội, là những người đã tham gia những “bước chân vạn dặm” suốt nhiều năm qua trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Timothy Liston, Phó Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại Việt Nam đã ghi nhận đóng góp của các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) và sự kêu gọi của CBO trong hợp tác công-tư trong cung cấp dịch vụ dự phòng HIV, hướng tới các mục tiêu kiểm soát dịch HIV bền vững tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Trung tâm LIFE, đơn vị thực hiện dự án C-Link và hơn 30 tổ chức cộng đồng (CBO) đã chia sẻ những sáng kiến đột phá của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và đóng góp của các tổ chức CBO.

Trong 2 năm vừa qua, Dự án C-Link đã cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ về HIV cho 32.000 người trong nhóm có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV tại TPHCM. Đặc biệt, năm 2018, dự án đã phát hiện và chuyển gửi điều trị thành công được 2.381 trường hợp nhiễm HIV dương tính mới, chiếm tới hơn 30% trong tổng số trường hợp nhiễm HIV tìm được tại TPHCM.

Nhóm chuyên gia cộng đồng của Dự án C-Link nâng cao năng lực, đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các gói dịch vụ dự phòng, chăm sóc và hỗ trợ về HIV. Gói dịch vụ này được đúc kết từ những trải nghiệm thực tế đến các đối tác hiện tại và đối tác tiềm năng. Các gói dịch vụ được các CBO giới thiệu sáng tạo và sinh động dưới hình thức “Siêu thị Dịch vụ 6-6-6”.

Tổ chức Ký kết hợp tác tại hội thảo. Ảnh: Hữu Thủy

Ngoài ra, tại hội thảo cũng diễn ra các Lễ Ký kết Thoả thuận Hợp tác giữa: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm LIFE về “Tìm người HIV trong cộng đồng và thông báo cho bạn tình hoặc bạn chích của họ”; ký kết giữa Phòng khám Ngoại trú Quận 1 TPHCM với Tổ chức cộng đồng G3VN về “Lập bản đồ điểm nóng và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người có HIV” ; ký kết giữa Công ty Cổ phần May Việt Hưng và đại diện nhóm chuyên gia cộng đồng về “Cung cấp dịch vụ tổ chức sự kiện giới thiệu các sáng kiến mới trong phòng chống HIV”; ký kết giữa Mạng Kết nối Khám chữa bệnh Easy Care và Phòng khám Đa khoa Galant về “Tạo hệ sinh thái truyền thông và cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho cộng đồng”.

Ngoài việc ký hợp đồng với các tổ chức, doanh nghiệp, các phòng khám, Dự án C-Link kêu gọi sự hợp tác công-tư, cộng hưởng các nguồn lực, năng lượng, trí tuệ và động lực nhằm lan toả những sáng kiến, đẩy nhanh tiến độ đạt mục tiêu 90-90-90 và kiểm soát dịch HIV bền vững với sự tham gia tọa đàm của các tổ chức, mạng lưới người nhiễm HIV…
Top