Hỗ trợ sàng lọc chất gây nghiện cho gần 3.000 trường hợp

14/08/2020 14:41

Dự án “Hỗ trợ phát triển đội ngũ cán bộ thông qua chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất, phòng chống HIV tại Việt Nam” đã hỗ trợ các cơ sở sàng lọc các chất gây nghiện cho gần 3.000 trường hợp; can thiệp cho 246 bệnh nhân có nguy cơ trung bình với sử dụng ATS, hỗ trợ xã hội cho 105 bệnh nhân methadone, chuyển gửi xét nghiệm HIV cho 1.347 trường hợp, hỗ trợ điều trị viêm gan C cho 8 bệnh nhân và hỗ trợ cho 2 gia đình thành viên vay vốn để phát triển sản xuất.

 Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy giúp giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Ma túy và nghiện ma túy là một vấn đề phức tạp của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, đến tháng 12/2019 có khoảng 235.214 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó: 67,5% (gồm cả khoảng 53.000 người đang điều trị Methadone) người nghiện ma túy sống tại cộng đồng, 13,5 % người nghiện ma túy đang ở các cơ sở cai nghiện do ngành Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý và 19% số người nghiện đang ở trong các trại giam do ngành Công an quản lý.

Với xu thế hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới để cùng nhau giải quyết các vấn đề chung giữa các quốc gia là vấn đề phòng chống ma túy và cai nghiện ma túy. Được sự hỗ trợ và giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính của Cục Quản lý lạm dụng Chất gây nghiện và Sức khoẻ tâm thần (SAMHSA, Hoa Kỳ) và Đại học UCLA (Hoa Kỳ), sự hỗ trợ và ủng hộ của Văn phòng Chính phủ, sự đồng ý của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã gia nhập mạng lưới các trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV (VHATTC) cùng với hai Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TP HCM với mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm chuyển giao cộng nghệ điều trị nghiện chất và HIV tới đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại Việt Nam.

Báo cáo tổng kết Dự án cho thấy: Sau 3 năm triển khai với nguồn kinh phí tài trợ 247.000 USD bao gồm các cấu phần: Nâng cao năng lực, can thiệp giảm sử dụng ATS và hỗ trợ xã hội tại 3 phường thuộc 2 quận của Hà Nội, 2 quận của Hải Phòng và 1 huyện của Thái Nguyên; phát triển tài liệu đào tạo và tập huấn, vận động chính sách và truyền thông nâng cao nhận thức, Dự án đã tổ chức 32 khóa tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho hơn 1.000 lượt cán bộ quản lý các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, cán bộ làm công tác cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện, phòng khám methadone, các cán bộ tổ chức cộng đồng (CBO), giảng viên và sinh viên ngành Công tác xã hội. 

Hoạt động của dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với cán bộ làm công tác cai nghiện, các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý các trung tâm cai nghiện, các cán bộ cộng đồng và các sinh viên ngành Công tác xã hội; trang bị kiến thức về HIV, ma túy, cung cấp các kiến thức và kỹ năng tư vấn, điều trị cho hơn 1.000 lượt cán bộ làm công tác điều trị nghiện và sinh viên; góp phần giúp các bệnh nhân duy trì điều trị Methadone và nhiều người trong số họ có cuộc sống tích cực hơn.

Dự án cũng tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên của trường nâng cao năng lực, đặc biệt trong lĩnh vực điều trị nghiện thông qua các khóa tập huấn, chuyến thăm quan học tập và hội thảo, hội nghị trong nước, quốc tế. Theo đó, các giảng viên của trường đã tham gia giảng dạy cho cán bộ quản lý và cán bộ điều trị nghiện tại các trung tâm cai nghiện thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cán bộ của trường đã tham gia có hiệu quả và đóng góp tích cực vào việc xây dựng Hướng dẫn can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine.

Sinh viên của trường có điều kiện được cập nhật kiến thức về HIV và ma túy cũng như các kỹ năng làm việc với bệnh nhân lạm dụng ma túy. Những kiến thức và kỹ năng này sẽ được các em sử dụng trong các buổi thực tế tại cộng đồng cũng như trong công việc sau này. Thông qua hoạt động truyền thông, các em đã hiểu rõ hơn và nhận thức rõ hơn về cách phòng chống sử dụng ma túy và lây nhiễm HIV.

Làm thay đổi nhận thức về điều trị cai nghiện cho đội ngũ giảng viên, đội ngũ cán bộ và cả người nghiện ma túy về phương pháp tiếp cận và phương pháp cai nghiện, trong đó chú trọng đến các yếu tố tâm lý, xã hội của người nghiện ma túy…
Top