Hiệu quả tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma túy ở Hòa Bình

20/03/2015 17:01

Là một tỉnh có vị trí địa lý nối liền thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng bắc bộ lên miền núi nên Hòa Bình có ảnh hưởng rất tích cực tới sự giao lưu thông thương giữa các vùng miền. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đã kéo theo nhiều vấn đề xã hội, trong đó tệ nạn sử dụng ma túy ngày càng trở nên nhức nhối, gây hiểm họa cho nhiều gia đình và xã hội.

Người cai nghiện tự nguyện học nghề tại Trung tâm cai nghiện

Theo thống kê, toàn tỉnh Hoà Bình có 2.235 người nghiện ma tuý, 1.346 người quản lý sau cai nghiện ở xã, phường, thị trấn. Đa số người nghiện đều ở độ tuổi từ 18-35 tuổi và không có nghề nghiệp, không có việc làm cố định.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm thì công tác giải quyết việc làm luôn đặt ra nhiều khó khăn thách thức với các cấp, các ngành của tỉnh Hoà Bình. Mỗi năm, toàn tỉnh tạo việc làm cho trên 16 nghìn người, tuy nhiên, chất lượng việc làm chưa cao do chất lượng lao động còn ở mức thấp và giải quyết việc làm tại chỗ vẫn là chủ yếu.

Kể từ năm 2011, thực hiện kế hoạch hoạt động của dự án Phòng, chống HIV/AIDS khu vực Châu Á tại Việt Nam (dự án HAARP) liên quan đến các hoạt động hỗ trợ xã hội cho người nghiện chích ma túy, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã triển khai các hoạt động liên quan đến các mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ xã hội cho người nghiện chích ma túy trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm và cho vay vốn; cùng với việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV/AIDS.

Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động của dự án, hợp phần Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma túy và người sau cai tại huyện Mai Châu và thành phố Hòa Bình.

Quỹ tín dụng vi mô đã cho 75 hộ gia đình người nghiện ma túy được vay số vốn 750 triệu đồng để thực hiện dự án ở 3 xã, 1 thị trấn của huyện Mai Châu và 2 phường của thành phố Hòa Bình. Bình quân mỗi hộ vay 10 triệu đồng, chủ yếu để sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.

Kết quả các cuộc giám sát cho thấy, quỹ tín dụng vi mô đã giúp cho bản thân người nghiện chích ma túy và người quản lý sau cai có nguồn thu nhập ổn định, có thể tự chủ được cuộc sống của mình, không rơi vào ngưỡng của đói nghèo.

Sự tích cực vào cuộc của Ban quản lý quỹ tín dụng cấp xã đã đảm bảo đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, tạo được việc làm cho bản thân người nghiện, giúp họ và gia đình họ sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Hầu hết các hộ gia đình vay vốn đều đã trả lãi và nộp tiền tiết kiệm đúng kỳ hạn, cá biệt có những hộ gửi tiền tiết kiệm tăng hơn nhiều lần so với quy định. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Đức Thành ở phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình được vay số vốn 10 triệu đồng, sau 6 tháng ngoài số tiền lãi đã nộp anh đã gửi số tiền tiết kiệm lên tới 3 triệu đồng cho BQL dự án.

Thống kê cho thấy, đến nay nhiều hộ gia đình và bản thân người vay vốn ở huyện Mai Châu và TP Hòa Bình từ hoàn cảnh khó khăn đã dần ổn định cuộc sống. Họ không mặc cảm xa lánh cộng đồng, tạo được niềm tin và yên tâm hoà nhập cộng đồng.

Điểm sáng trong hoạt động vay vốn quỹ tín dụng vi mô ở TP Hòa Bình tới nay đã có 15 người được xét chọn để điều trị Methadone, 12 người đã từ bỏ được ma túy trong tổng số 40 người được vay vốn. Chưa có trường hợp nào có nguy cơ mất vốn, một số thu nhập ổn định bình quân mức 150 ngàn đồng/ngày, 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện chính ma túy, hay nói một cách khác là cho người nghiện vay vốn để làm ăn là một cách làm mới mang tính đột phá và chưa có tiền lệ. Kết quả thực hiện dự án ở các địa phương tuy chưa đạt được hiệu quả đồng đều như nhau, nhưng những lợi ích xã hội mà nguồn vốn mang lại có ý nghĩa rất đáng ghi nhận, bước đầu đã tạo dựng niềm tin của người nghiện chích ma túy vào sự trợ giúp của nhà nước và chính quyền địa phương.

Top