Hiệu quả mô hình nhóm tự lực tại Tây Ninh

25/07/2018 09:59

Mô nhóm tự lực tại Tây Ninh được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của mô hình đã giúp đỡ được những nạn nhân bị mua bán trở về có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Tây Ninh là tỉnh biên giới Tây Nam thuộc khu vực miền Đông Nam bộ. Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước; phía Nam giáp TPHCM và Long An; phía Tây và Bắc giáp 3 tỉnh Svay Riêng, Tbong Khmum và Prây Veng của Vương quốc Campuchia, với đường biên giới dài 240 km, có 2 cửa khẩu Quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, 14 cửa khẩu phụ. Tây Ninh có vị trí là cầu nối giữa TPHCM và Thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài với Đường Xuyên Á chạy qua địa bàn Tây Ninh dài 28 km.

Ông Trần Văn Loan, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH tỉnh Tây Ninh. Ảnh Nhât Thy

Ông Trần Văn Loan, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, bên cạnh những thuận lợi trong phát triển kinh tế, thời gian gần đây, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Tây Ninh diễn biến phức tạp, đa dạng, tính chất quy mô và thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Thủ đoạn phổ biến mà bọn tội phạm thường sử dụng là lợi dụng những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, văn hóa thấp, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rồi tìm mọi cách đưa ra nước ngoài bán làm vợ bất hợp pháp, bán vào tụ điểm mại dâm và bị bóc lột sức lao động. Đặc biệt, trong năm 2015, có 14 nạn nhân trở về Tây Ninh từ Ả rập xê út do bị cưỡng bức lao động, một số nạn nhân bị chấn thương không còn khả năng lao động, tất cả đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo không có việc làm.

Trước tình hình đó, từ năm 2011 đến năm 2016, Sở LĐTB&XH tỉnh đã tiếp nhận Dự án tài trợ của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) với mục tiêu chính là phòng ngừa nạn mua bán người đối với cộng đồng người di cư, tăng cường bảo vệ cho người di cư dễ bị tổn thương, đặc biệt là nạn nhân, thông qua nâng cao năng lực của cán bộ đơn vị cung cấp dịch vụ và cung cấp hỗ trợ trực tiếp toàn diện; thực hiện mô hình nhóm tự lực dành cho nạn nhân mua bán người và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân mua bán người thông qua việc đào tạo nghề và hỗ trợ vốn sinh kế.

Tỉnh đã thành lập 4 mô hình Nhóm tự lực tại 4 huyện Hòa Thành, Châu Thành, Gò Dầu, Tân Biên gồm 57 thành viên là nạn nhân bị mua bán trở về và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Công tác tuyên truyền được các Nhóm tự lực chú trọng thực hiện, cụ thể đã tổ chức 2 Chương trình đối thoại chính sách cho hơn 500 hội viên phụ nữ, thanh niên và người dân đã và đang có ý định đi làm việc xa nhà, kết hôn với người nước ngoài, người bị mua bán trở về, đối tượng nguy cơ cao nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, kết hôn có yếu tố nước ngoài và phòng chống mua bán người…; thực hiện 2 buổi chiếu phim tuyên truyền về phòng chống mua bán người tại Công ty TNHH BANDO VINA cụm công nghiệp xã Thanh Điền, huyện Châu Thành và Công ty Dệt may Hoa Sen, khu Công nghiệp Trảng Bàng.

Xây dựng 1 vở kịch tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và biểu diễn tại trường THPT Tây Ninh và trường THPT Lê Hồng Phong huyện Châu Thành, kết hợp với chiếu phim và thi vẽ tranh về phòng, chống mua bán người; truyền thông qua loa đài về phòng ngừa mua bán người 20 lần/tháng trong 5 tháng tại 5 huyện Hòa Thành, Châu Thành, Tân Biên, Gò Dầu, và Thành phố Tây Ninh. Thực hiện 9 tiết học ngoại khóa về phòng chống mua bán người tại trường THPT Lê Hồng Phong huyện Châu Thành. Qua tiết học, các em hiểu rõ hơn những thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, từ đó biết tự bảo vệ chính bản thân mình và người thân tránh xa những cám dỗ và cạm bẫy của bọn tội phạm.

Ngoài ra, còn tổ chức Hội thảo cấp địa phương về mua bán người cho các tổ chức, trưởng ấp, khu phố với các nội dung như: đánh giá thực trạng tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đánh giá quá trình hoạt động của mô hình nhóm tự lực, những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện mô hình nhóm tự lực.

Không chỉ vậy, các nhóm còn phối hợp với cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức 10 lượt tư vấn lưu động về việc làm, sức khỏe, phòng chống mua bán người và các chế độ hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về tại các khu Công nghiệp (hơn 100 người được tư vấn); tập huấn kỹ năng truyền thông, kỹ năng sống và phòng ngừa HIV/AIDS cho 55 người là điều phối viên và thành viên nhóm tự lực. Qua đó, thành viên nhóm được trang bị những kỹ năng sống cơ bản và phòng ngừa HIV/AIDS liên quan đến sức khỏe sinh sản, quan hệ tình dục an toàn. Đồng thời, có khả năng thích nghi và thực hành hành vi tích cực đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày. Tổ chức 2 buổi họp mặt với Doanh nghiệp tuyển dụng lao động nhằm trao đổi, thảo luận tìm ra các giải pháp để thúc đẩy di cư an toàn và bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi di cư tìm việc làm.

Hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật cho thành viên nhóm tự lực, hướng dẫn các thành viên nhóm xây dựng Kế hoạch sử dụng vốn hỗ trợ. Tổ chức Lễ trao vốn và tập huấn kỹ năng trồng trọt và chăn nuôi cho 40 thành viên với mức hỗ trợ 6.000.000 đồng/người. Tổ chức kiểm tra sức khỏe tổng quát 02 đợt cho 32 nạn nhân bị mua bán tại Bệnh viện Hòa Hảo và Bệnh viện Xuyên Á thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi khám sức khỏe các nạn nhân được cấp phát mỗi người 01 thẻ Bảo hiểm y tế có giá trị trong 01 năm để các nạn nhân được hưởng quyền lợi khi có nhu cầu khám chữa bệnh. Tổng kinh phí là 94.416.000 đồng.

Theo ông Trần Văn Loan, mô nhóm tự lực được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của mô hình đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả dùng để trồng trọt, chăn nuôi, học nghề có tay nghề đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, đồng thời họ cũng được cung cấp các kỹ năng, kiến thức cần thiết và được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Thông qua nhóm tự lực, các thành viên trở nên tự tin hơn, dễ dàng chia sẻ tâm tư tình cảm của mình và tuyên truyền đến các tổ dân phố, trường học, các buổi Hội thảo và các Chương trình do Đài truyền hình thực hiện về công tác phòng, chống mua bán người nhằm tuyên truyền đến người dân tại cộng đồng biết những âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người hiện nay.

Top