Duy trì mô hình can thiệp giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm

22/03/2018 13:54

Trong năm 2018, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục thực hiện mô hình can thiệp giảm hại cho các lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, mô hình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Trong năm 2017, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã được triển khai thực hiện đồng bộ, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể hưởng ứng tham gia và đạt được những kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tư vấn hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, cơ sở tổ chức 31 lớp tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho 3.171 người tham dự. Tổ chức khảo sát, điều tra 1.000 người có nguy cơ cao hoạt động mại dâm. In ấn, phát hành 6.000 cuốn tài liệu, tờ rơi tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của tệ nạn mại dâm, hành vi tình dục an toàn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và đảm bảo quyền con người, các chính sách hỗ trợ cho người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên và các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung về phòng, chống mại dâm được 595 buổi, thu hút được 40.460 lượt người tham gia, tuyên truyền lưu động được 102 giờ, 114 giờ trên loa phát thanh địa phương, nhận và phát hành 20.000 cuốn tài liệu và hơn 23.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống ma túy, mại dâm đến với nhân dân và trang bị cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng còn phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; tăng cường công tác quản lý các địa bàn trọng điểm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm nhằm hạn chế thấp nhất những tệ nạn xã hội có thể xảy ra.

Trong năm 2017, các đơn vị nghiệp vụ, các đội kiểm tra liên ngành tỉnh và địa phương đã kiểm tra hành chính 998 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, xử lý 89 cơ sở vi phạm với tổng số tiền là 380.400.000 đồng, đồng thời, nhắc nhở cảnh cáo 189 cơ sở; lực lượng công an các cấp trong tỉnh đã tổ chức triệt phá 15 vụ, xử lý 56 đối tượng có liên quan, trong đó có 25 đối tượng là người bán dâm; tòa án nhân dân các cấp đã tổ chức xét xử 09 vụ, 10 bị can về tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã xây dựng thí điểm 2 mô hình hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm. Đầu tiên là mô hình Thí điểm can thiệp giảm tác hại cho người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tại thành phố Vũng Tàu. Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức 1 hội nghị, 5 lớp tuyên truyền với 450 lượt người tham dự là người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ ngành lao động thương binh và xã hội, công an, y tế. Nội dung tuyên truyền là phổ biến các kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe, sinh sản giới tính, quyền lợi của người lao động, phổ biến các điểm để người lao động cần hỗ trợ ki bị tranh chấp, khi cần can thiệp; các quy định của pháp luật về kinh doanh ngành nghề có điều kiện, phòng, chống lây nhiễm qua đường tình dục, phòng, chống HIV/AIDS.

Mô hình thứ hai là mô hình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2017, mô hình được triển khai tại 2 huyện Tân Thành và Long Điền. Mỗi huyện 1 mô hình với 10 người là người bán dâm hoàn lương, thành viên các nhóm đồng đẳng tự nguyện tham gia. Hoạt động của mô hình tập trung tuyên truyền, tư vấn phòng, chống mại dâm và phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, các biện pháp phòng tránh; vận động và kết nối chủ và nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí với các cơ sở khám chữa bệnh. Qua thực hiện các mô hình, các thành viên tham gia được tuyên truyền nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm.

Ngoài công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các thành viên tham gia mô hình thí điểm, Chi cục PCTNXH còn tổ chức các buổi tọa đàm, tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho các nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh nhạy cảm có nguy cơ hoạt động mại dâm nhằm nâng cao biện pháp tự bảo vệ sức khỏe cho nhân viên làm việc tại đây.

Trong năm 2018, các ban, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống mại dâm; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống mại dâm, nâng cao hiệu quả công tác thống kê, quản lý tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Các cơ quan chức năng, các đội kiểm tra liên ngành thường xuyên thực hiện công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm để phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh những cơ sở vi phạm, tổ chức triệt phá và xử lý các ổ nhóm hoạt động mại dâm; tiếp tục thực hiện mô hình can thiệp giảm hại cho các lao động nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải  trí, mô hình hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng.

Top