Điểm tựa cho người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng

06/11/2021 09:11

(Chinhphu.vn) - Nhiều người có quá khứ lầm lỡ ngoài vươn lên có cuộc sống khá giả đã trở thành những tình nguyện viên tích cực tham gia công tác xã hội, tuyên truyền, vận động người cùng cảnh ngộ đi chữa bệnh, cai nghiện và tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế ổn định cuộc sống từ đó giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

 Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lào Cai hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân

Anh Nguyễn Danh Vượng, trú tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội là người nghiện ma túy, bị nhiễm HIV, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh Vượng đã tự cai nghiện ma túy tại nhà và đang điều trị thuốc ARV. Thông qua các kênh thông tin, anh đã tiếp cận và được vay 30 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ tín dụng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg (về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương).

Với số vốn vay, gia đình đầu tư vào trồng chuối, cỏ ghém, cỏ voi trên diện tích hơn 3.000 m2 và chăn nuôi bò sinh sản. Từ một con bò ban đầu đến nay anh đã có 4 con. Mô hình kinh tế này mang lại hiệu quả kinh tế khá nên hàng tháng anh Vượng đều trả lãi ngân hàng đầy đủ. Tính đến nay, đã trả hết vốn vay và tạo dựng cuộc sống ổn định.

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương. Giai đoạn 2014-2016 thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố.

Ngày 10/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg (Quyết định số 02) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29. Theo đó quy định, tiếp thục thực hiện thí điểm việc cho vay vốn tại 15 tỉnh, thành phố đến hết ngày 31/12/2020.

Thực hiện 2 Quyết định trên, Bộ Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quyết định số 1150/QĐ-LĐTBXH ngày 09/9/2014 về việc phê duyệt danh sách 15 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm về tín dụng gồm: Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang và Bạc Liêu.

Đồng thời tổ chức tập huấn, tuyên truyền về triển khai Quyết định số 29, hướng dẫn chỉ đạo 15 địa phương thí điểm khảo sát nhu cầu vay vốn của các nhóm đối tượng; xây dựng kế hoạch và nhu cầu vay, hướng dẫn thủ tục vay vốn. Tổng hợp, xây dựng kế hoạch nguồn vốn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để thực hiện.

Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành Hướng dẫn số 3337/NHCS-TDSV, ngày 30/9/2014 về nghiệp vụ cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương.

Trong quá trình thực hiện, hai ngành đã lập đoàn khảo sát, đánh giá kết quả thí điểm tại một số địa phương, đồng thời tổng kết tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 29 và Quyết định số 02.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho những người yếu thế xóa bỏ mặc cảm vươn lên làm lại cuộc đời, đồng thời làm cộng đồng có cái nhìn tích cực hơn đối với họ. Điển hình như tại Hải Phòng, Cần Thơ, Lào Cai, các ban, ngành đã tuyên truyền nội dung chính sách này đến các câu lạc bộ của người yếu thế, điểm uống methadone, điểm cấp phát thuốc ARV, tổ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Tỉnh Lào Cai mời cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đến hướng dẫn quy trình thủ tục vay vốn, lập phương án sản xuất, kinh doanh tại nơi người vay vốn cư trú…

Sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng hướng

Tính đến hết ngày 31/12/2020, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tại 15 địa phương thí điểm đã giải ngân cho 577 lượt khách hành là cá nhân, hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế bằng methadone, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV với tổng số tiền 14,833 tỷ đồng, trong đó số đối tượng được vay chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình người sau cai nghiện với 261/577 hồ sơ.

Các trường hợp được vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt quy mô hộ gia đình, mở cửa hàng tạp hóa, bán hàng ăn uống, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, chạy xe ôm. Phần lớn khách hàng đã hoàn trả vốn vay đúng quy định.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tính đến ngày 30/9/2021, tỷ lệ thu hồi vốn là 11,894 tỷ đồng/14,833 tỷ đồng, đạt 80,1%, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,5%. Khách hàng nợ quá hạn chủ yếu là người bệnh AIDS giai đoạn cuối không đủ sức khỏe để sản xuất, kinh doanh theo phương án được duyệt. Ngân hàng Chính sách xã hội đã xóa nợ đối với 4 khách hàng không có khả năng hoàn trả vốn do người vay đã chết, tái nghiện…

Quá trình triển khai chính sách tín dụng ưu đãi cho thấy người được vay sử dụng vốn hiệu quả, đúng hướng (bình quân thu nhập từ 2-5 triệu đồng/tháng) qua đó tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Có việc làm ổn định họ đã cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng từ đó giảm tỷ lệ tái nghiện, tái vi phạm. Đối với người điều trị thay thế bằng methadone đã tuân thủ nội quy điều trị, kết quả trị liệu được cải thiện tiến tới giảm liều. Nhiều tỉnh, thành phố chưa phát hiện tái nghiện, tái vi phạm trong số người được vay vốn, do đó tiết kiệm được đáng kể ngân sách cho công tác cai nghiện, chữa bệnh ở nhóm này.

Chính sách vay vốn còn giúp cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tình nguyện viên ở cơ sở tiếp xúc dễ dàng, gần giũ hơn với nhóm yếu thế qua đó nhiều người đã chủ động liên hệ để được tư vấn, hỗ trợ thủ tục vay vốn. Đây còn là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta trong việc đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Phát huy kết quả đạt được thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng Chính sách xã hội và các bộ, ngành liên quan lồng ghép việc cho vay vốn đối với nhóm người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế bằng methadone, người bán dâm hoàn lương theo chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 14/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg, ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo… và các chương trình cho vay khác của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong đó, giao Bộ LĐTB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo các Sở LĐTB&XH và chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan tại cấp huyện, xã giúp đỡ người được vay sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trả nợ đúng kỳ hạn.

Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đạo chi nhánh cấp tỉnh, huyện, tổ tiết kiệm và vay vốn tạo điều kiện tốt để cá nhân, hộ gia đình người sau nghiện, người điều trị thay thế, người nhiễm HIV, người bán dâm hoàn lương được vay vốn từ các gói tín dụng ưu đãi khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định.
Top