Đẩy mạnh phối hợp phòng, chống ma tuý khu vực tiểu vùng sông Mê Công

04/09/2019 16:29

Thời gian qua, hoạt động của Trung tâm điều phối sông Mê Công an toàn (SMCC) đã tạo cơ chế đầu mối trao đổi, xử lý nhanh thông tin về tội phạm ma tuý (TPMT) liên quan đến các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mê Công. Với nhiệm kỳ từ 15/5-31/7/2019, nước chủ nhà Thái Lan đã mời đại diện của các nước thành viên gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Mianma sang làm việc tại Trung tâm SMCC Chiang Mai với tư cách là điều phối viên quốc tế.

 Cảnh sát Thái Lan cập nhật thông tin tội phạm ma tuý từ chi nhánh SMCC Chiang Mai

Trung tâm duy trì giao ban 2 lần/tuần nhằm trao đổi thông tin giữa các nước thành viên về xu hướng ma tuý tại tiểu vùng sông Mê Công, chia sẻ thông tin vụ án có sự tham gia của các nước, số đối tượng người nước ngoài, đối tượng truy nã, tuyến vận chuyển, thủ đoạn mới của TPMT và cập nhật các biện pháp trong Kế hoạch hoạt động sông Mê Công an toàn, giai đoạn 2019-2020.

Hiện tại, Tam giác vàng vẫn là điểm nóng về nạn trồng cây thuốc phiện và sản xuất ma tuý tổng hợp (MTTH). Từ đây, các đối tượng vận chuyển ma tuý qua Lào, Thái Lan, Campuchia bằng đường bộ hoặc tuyến sông Mê Công đi tiêu thụ tại nước thứ ba khiến tình hình TPMT trong khu vực trở nên nóng bỏng.

Từ tháng 5-7/2019, Thái Lan đã bắt nhiều vụ vận chuyển trái phép hồng phiến, ma tuý “đá”, ketamin ra nước ngoài. Điển hình, ngày 03/5/2019, tại tỉnh Chiang Rai, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 01 đối tượng chở 2 triệu viên hồng phiến trên xe ô tô, khi đối tượng lao xe vào trạm kiểm soát biên giới. Ngày 12/6/2019, Thái Lan bắt giữ đối tượng vận chuyển 596 kg ma tuý “đá” tại tỉnh Chai Nat.

Nước này đang sửa đổi Luật Phòng, chống ma tuý năm 1979, theo hướng cho hợp pháp hoá cần sa vào mục đích y tế và nghiên cứu. Theo đó, các cơ sở y tế và cơ quan chính quyền có thể trồng cần sa phục vụ mục đích y tế và khoa học, người dân được phép dùng chúng để chữa bệnh theo đơn của bác sỹ. Tuy nhiên, luật vẫn cấm sử dụng vào mục đích giải trí.

Thời gian qua, Lào đã trở thành địa bàn trung chuyển ma tuý, tiền chất ma tuý trong lưu vực sông Mê Công. Ma tuý từ Tam giác vàng theo đường bộ từ Lào vào các nước trong khu vực. Qua công tác nắm địa bàn của lực lượng chức năng hai nước cho thấy, ma tuý “đá”, heroin từ Lào vào Việt Nam, còn cafein từ Việt Nam chuyển sang Lào để đến các xưởng sản xuất MTTH. Ngày 29/5/2019, Cảnh sát và Hải quan nước này thu giữ 10 tấn cafein trên chiếc tàu thuỷ chạy từ cảng Solei quá cảnh qua tỉnh Bò Kẹo (Lào) để đến Tachileik (Myanmar).

Còn ở Mianma, hoạt động phạm tội về ma tuý tập trung chủ yếu ở bang Shan. Tại đây, người dân trồng cây thuốc phiện và sản xuất MTTH dưới sự bảo kê của phiến quân ly khai chống đối chính quyền Naypyidaw. Trong tháng 5/2019, Cảnh sát Mianma đã thu giữ hơn 814.000 lít axít suphuric, 10.200 lít ethyl ether, gần 11 triệu viên hồng phiến.

Campuchia cũng là địa bàn trung chuyển ma tuý “đá”, hồng phiến, ketamin, heroin sang các nước trong khu vực. Do nước này chưa đưa lá khát vào danh mục kiểm soát, nên đã xuất hiện tình trạng lá khát được đối tượng đưa vào Campuchia để trung chuyển sang nước thứ ba. Trong khuôn khổ hoạt động của SMCC, từ thông tin do Công an tỉnh Long An cung cấp sau khi bắt giữ đối tượng vận chuyển 57 kg ma tuý “đá” từ Campuchia vào Việt Nam, Cảnh sát nước này đã triệt phá đường dây ma tuý lớn, bắt giữ 7 đối tượng. Các đối tượng khai nhận đã vận chuyển trót lọt gần 01 tấn ma tuý “đá” bằng cách cất giấu trong xe cứu thương chở bệnh nhân sang Việt Nam khám, chữa bệnh.

Qua công tác đấu tranh cho thấy, hồng phiến, ma tuý “đá”, ketamin có nguồn gốc từ Tam giác vàng đi qua các nước tiểu vùng đến nước thứ ba tiêu thụ, còn hoá chất được tuồn ngược trở lại làm nguyên liệu đầu vào. Số lượng ma tuý được đưa đến tay người sử dụng ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi đã tạo sức ép cho công tác đấu tranh ở mỗi nước.

Từ thực tế đó, các nước thành viên đã trao đổi, chia sẻ thông tin về nhiệm vụ đã và đang triển khai trong khuân khổ Kế hoạch hoạt động sông Mê Công an toàn, giai đoạn 2019-2022. Trước hết là việc kiểm soát tiền chất, hoá chất.

Cứ 1 viên hồng phiến loại 90 mg, meth chiếm từ 10-25%, chất độn chiếm 5%, còn lại 70% là cafein. Ngày 23/10/2018, Cảnh sát tỉnh U Đôm Xay bắt giữ 5 đối tượng người Việt Nam vận chuyển cafein đến tỉnh Luông Nậm Thà (Lào) để đưa vào Tam giác vàng. Hiện, Thái Lan, Lào, Myanmar đã đưa cafein vào danh mục kiểm soát. Vì vậy, SMCC mong muốn Việt Nam xem xét đưa chất mày vào danh mục quản lý để tránh bị lợi dụng vào mục đích sản xuất MTTH.

Thái Lan cũng đưa ra sáng kiến thành lập cơ chế cảnh báo và trao đổi thông tin giữa các nước tiểu vùng về những tiền chất không nằm trong danh mục kiểm soát của Liên hợp quốc, nhất là các chất sodium cyanide, axít tartaric và các chất thay thế ephedrine. 

Các nước chung tay ngăn chặn việc vận chuyển ma tuý trên tuyến đường bộ, các trạm kiểm soát biên giới. Hiện tại Thái Lan đang thực hiện tốt công tác này với 43 trạm kiểm soát cố định, 30 trạm kiểm soát cơ động, hơn 100 trạm hoạt động theo giờ, cùng nhiều trang bị phục vụ việc phát hiện, bắt giữ TPMT. Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh, việc xác định ra tuyến vận chuyển trọng điểm để bố trí trạm kiểm soát cố định là điều cần thiết với các nước thành viên.

Bên cạnh đó, việc chia sẻ thông tin về đối tượng chủ mưu cầm đầu, tuyến vận chuyển, hình dạng bao bì, quy cách đóng gói của ma tuý bị thu giữ và thông tin liên quan đến đối tượng mua - bán cần được chia sẻ thông qua đầu mối SMCC cho các nước liên quan nhằm nắm bắt các xu thế ma tuý trong khu vực để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Hiện tại, các nước đều đã thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm SMCC, riêng Việt Nam đang xúc tiến thành lập. Trung tâm SMCC của Campuchia mới đi vào hoạt động, nước này đã mời các nước cử đại diện sang làm việc trong thời gian từ ngày 15/9-30/11/2019.

Căn cứ vào nội dung, kết quả làm việc tại Trung tâm SMCC Chiang Mai, sau khi về nước, cán bộ Việt Nam tham gia đoàn công tác đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất biện pháp kiểm soát, tránh thất thoát cafein, sodium cyanide vào mục đích sản xuất ma tuý bất hợp pháp theo khuyến cáo của các nước. Nghiên cứu thay đổi phương pháp thống kê số liệu theo hướng đi vào từng loại ma tuý cụ thể, tránh ghi MTTH chung chung.

Khi bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia, cần chụp ảnh bao bỳ, nhãn mác ma tuý thu giữ và trao đổi kịp thời thông tin với các nước nhằm xác định đối tượng cầm đầu, nhận hàng phục vụ việc bắt giữ cả đường dây. Gửi mẫu hồng phiến thu giữ được về cơ quan giám định để xác định hàm lượng meth, cafein, qua đó đề xuất biện pháp kiểm soát.

Hoàn tất thủ tục thành lập, đưa Trung tâm SMCC tại Việt Nam vào hoạt động và dự kiến mời các nước cử chuyên gia sang làm việc vào năm 2020 nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp phòng, chống ma tuý giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công nói riêng và trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Top