Chuyển gửi người tham gia cai nghiện: Tích cực vào cuộc

02/10/2019 10:55

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý" (Mô hình chuyển gửi) đang triển khai thí điểm tại Hà Nội bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan nhờ sự tích cực vào cuộc của các lực lượng chức năng.

Tư vấn chuyển gửi cho người tham gia cai nghiện. Ảnh Nhật Thy

Một số kết quả bước đầu

Mô hình chuyển gửi này nhằm cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020, tạo điều kiện cho người nghiện ma tuý sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, phục hồi toàn diện tại cộng đồng.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm mô hình do Sở LĐTB&XH và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI). Mô hình bước đầu được thực hiện tại 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm với 6 điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) chính thức khởi động từ tháng 4/2019.

Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý liên quan.

Kể từ khi mô hình được chính thứ triển khai hoạt động, tới 30/8/2019 đã có 84 người nghiện ma túy được tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi (đạt 56% kế hoạch chung), trong đó quận Long Biên thực hiện 58/75 chỉ tiêu, đạt 77,3%, quận Nam Từ Liêm thực hiện 26/75 chỉ tiêu, đạt 34,6%.

Các hoạt động của mô hình chuyển gửi mà người nghiện ma tuý đã được tiếp cận trực tiếp gồm: Tư vấn, sàng lọc và can thiệp ngắn; Tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV; Chuyển gửi đến các cơ sở điều trị Methadone; Chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma tuý; Hỗ trợ về hành, hỗ trợ pháp lý; Chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; Chuyển gửi điều trị sức khoẻ tâm thần và các hoạt động tư vấn, chuyển gửi khác theo mô hình. Đây là những dịch vụ rất thiết thực đối với người nghiện ma tuý, giúp cho họ tiếp cận được nhanh nhất, hiệu quả nhất, kịp thời đáp ứng nhu cầu, mong muốn được tham gia điều trị, cai nghiện, hỗ trợ phòng chống tái nghiện.

Tích cực vào cuộc

Hoạt động của Mô hình đã được các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ  đạo, đặc biệt phải kể đến sự vào cuộc tích cực và tạo điều kiện của UBND quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm cũng như của các phường tham gia thí điểm.

Nhìn chung, Mô hình đã có sự tiến bộ về chất trên nhiều khía cạnh. Cơ sở vật chất của Mô hình đã được bố trí hợp lý, bước đầu đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật cơ bản, góp phần để Mô hình vận hành thuận lợi.

Mô hình cũng đã hình thành được mạng lưới chuyên môn có đầu mối là lực lượng Công an phường, các bộ phận trung gian là Điều phối viên, Tư vấn viên và điểm đích của của mạng lưới là các cơ sở cung cấp dịch vụ. Các vị trí của Mô hình về cơ bản đã hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ và phương thức thực hiện trong triển khai hoạt động Mô hình.

Cán bộ tham gia Mô hình cũng đã được tập huấn, hướng dẫn kỹ năng chuyên môn về tiếp cận, tư vấn, đánh giá, sàng lọc, chuyển gửi cho đối tượng là người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy được phát hiện trên địa bàn.

Công an các phường, ngoài áp dụng những biện pháp nghiệp vụ khi phát hiện người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy  cũng đã quan tâm chuyển gửi tới Điều phối viên để tư vấn, đánh giá, sàng lọc ban đầu.

Cấp quận đã bước đầu thiết lập cơ chế với các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển gửi như xây dựng cơ chế phối hợp chuyển gửi người nghiện ma túy tới Trung tâm Y tế Quận để được tư vấn, khám bệnh ban đầu, cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV, lao, viêm gan B và  điều trị thay thế bằng Methadone. Trung tâm Y tế quận và Trạm Y tế các phường đã thực hiện tốt công tác phối hợp, giám sát, báo cáo kết quả, chia sẻ thông tin người nghiện với Công an, Điều phối viên, Tư vấn viên trong quá trình thực hiện mô hình. Như vậy, quá trình vận hành của Mô hình đã có sự hỗ trợ, chia sẻ giữa các khâu, các đơn vị về việc theo dõi, giám sát, tư vấn đối với người nghiện ma túy đã được chuyển gửi.

Vẫn còn những khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển gửi còn gặp nhiều khó khăn do công tác tuyên truyền giới thiệu Mô hình chưa được triển khai tới cấp cơ sở tại từng phường nên chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét nhận thức của nhân dân về vai trò của Mô hình đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung, công tác điều trị cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nói riêng.

Người nghiện ma túy và gia đình người nghiện còn tâm lý dè dặt khi được Công an và  Điều phối viên tiếp cận, tư vấn và vận động tham gia quá trình chuyển gửi.

Một số hoạt động như như: thiết kế và in ấn, cấp phát tài liệu truyền thông; thực hiện tuyên truyền giảm kỳ thị, vận động cai nghiện tự nguyện; giao ban, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm chưa triển khai đúng tiến độ.

Các khóa tập huấn đã được chuẩn bị chu đáo nhưng do năng lực của các thành viên tham gia chưa đồng đều dẫn tới có sự chênh lệch về kiến thức, kỹ năng nên khi thực hiện chuyên môn còn chưa tự tin, hưởng tới tiến độ thực hiện chỉ tiêu tương ứng với tiến độ thời gian.

Các đơn vị đã tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, bố trí cho Điều phối viên ngồi ghép với phòng làm việc tại Trạm Y tế phường. Nhưng do sử dụng chung và phải ưu tiên nhiệm vụ chuyên môn ngành Y nên Điều phối viên và Tư vấn viên còn gặp khó khăn khi tác nghiệp. Điều kiện vật chất phục vụ cho cán bộ tham gia hoạt động Mô hình còn quá thiếu thốn: thiếu bàn ghế, tủ đựng hồ sơ riêng để đảm bảo tính an toàn, bảo mật.

Bên cạnh đó, do đầu mối liên hệ chưa rõ ràng nên sự phối hợp của các cơ sở cung cấp dịch vụ chưa sâu, chưa xây dựng được mối liên kết chuyển gửi- tiếp nhận- giám sát và phản hồi thông tin giữa các bên thực hiện.

Thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các quận thực hiện thí điểm để chỉ đạo các Phường và các đơn vị cung cấp dịch vụ để phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ giúp người nghiện và gia đình người nghiện ma tuý có được hiệu quả mong muốn khi có nhu cầu tham gia cai nghiện ma túy, thường xuyên có sự đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra những phương pháp, cách làm hay, những địa phương tích cực, hiệu quả để làm mô hình mẫu cho việc triển khai mở rộng trên địa bàn Thành phố sau khi kết thúc thời gian thí điểm.

Top